Bệnh Whitmore, những ai có nguy cơ mắc?

Minh Đức, icon
02:29 ngày 17/09/2019

VTV.vn - Những người thường xuyên tiếp xúc với đất, nước nhiễm khuẩn, tay chân có vết thương hở có nguy cơ cao nhiễm khuẩn Whitmore.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore xâm nhập từ môi trường sang người qua con đường chính là tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm khuẩn, đặc biệt là khi tay chân có vết thương hở. Tuy nhiên, một số thông tin trên mạng gọi bệnh Whitmore là bi khuẩn "ăn thịt người", gây hoang mang.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ), thật ra vi khuẩn gây bệnh Whitmore là vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei, vi khuẩn này hay gây tình trạng viêm nhiễm trùng da gây áp xe và viêm loét da chứ không "ăn thịt người".

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore không chỉ gây nhiễm trùng da, mà còn gây viêm phổi, nhiễm trùng xương khớp, hệ thần kinh, gan, lách, tuyến tiền liệt, nhiễm trùng huyết. Bệnh Whitmore chữa được nhưng lâu, tốn kém và dễ tái phát. Nếu không điều trị, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 48 giờ.

Trong khi những ca bệnh Whitmore vừa được phát hiện ở nhiều nơi tại Việt Nam nhiều thông tin cho rằng "hít bụi hay hơi nước nhiễm khuẩn cũng có thể gây bệnh Whitmore" càng khiến người đọc lo lắng hoang mang. Trong vùng dịch như các nước Đông Nam Á, loài khuẩn này thường trú trong đất và nước như suối, ao, hồ bơi, ao tù và ruộng lúa... nhất là những vùng đang canh tác nông nghiệp, do đất thường xuyên được đưa từ lớp đất sâu lên trên bề mặt.

Lưu ý cách phòng tránh

Bác sĩ Cấp cho rằng để phòng tránh không chỉ bệnh Whitmore, mà còn rất nhiều căn bệnh khác, người dân cần "ăn chín, uống sôi" vì vi khuẩn Whitmore bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao và tia cực tím.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore xâm nhập từ môi trường sang người qua con đường chính là tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm khuẩn: đây là con đường mắc bệnh thường gặp nhất, đặc biệt là khi tay chân có vết thương hở. Vết thương càng lớn và tiếp xúc càng lâu thì càng dễ mắc bệnh.

Vì vậy, người dân cần lưu ý:

- Tránh bơi trong nước ngọt hay tiếp xúc trực tiếp với bùn đất ở vùng dịch, nhất là vào mùa mưa hay sau bão, lũ lụt.

- Nên mang ủng và găng tay cao su khi tiếp xúc với đất và nước.

- Tránh tiếp xúc với nước, bùn đất nếu có trầy xước da. Nếu bị trầy xước, lập tức rửa sạch với xà phòng và bôi thuốc sát khuẩn.

- Luôn uống nước đun sôi, nước đóng chai có qua xử lý bằng tia cực tím.

- Tránh những cơn lốc xoáy bụi.

- Nếu có triệu chứng nghi ngờ có bệnh, lập tức đi khám bệnh.

Bộ Y tế Việt Nam cũng đan đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh này và cách phòng ngừa nhằm tránh gây hoang mang và giảm khả năng lây lan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục