Bệnh Whitmore liệu có nguy cơ bùng phát thành dịch?

Minh Đức, icon
02:31 ngày 16/09/2019

VTV.vn - Chuyên gia y tế khẳng định, Whitmore không lây từ người sang người mà lây nhiễm người bệnh có vùng da tổn thương tiếp xúc với vi khuẩn, hít phải bụi đất chứa vi khuẩn.

Mấy ngày gần đây, liên tiếp các ca bệnh Whitmore – bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có tỷ lệ tử vong rất cao được phát hiện. Trước đó, trong tháng 8/2019, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 12 ca Whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ, trong đó có 4 ca đã tử vong. Nhiều người thắc mắc liệu căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này có thể lây lan thành dịch không.

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tại đây vẫn tiếp nhận các ca bệnh Whitmore vào nhập viện chứ không phải bệnh "lạ" 5-10 năm mới xuất hiện. Chính vì vậy, các nhà lâm sàng về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới không đưa Whitmore là bệnh "lạ" hay bệnh bị "lãng quên".

Từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 20 ca bệnh Whitmore, trong đó riêng tháng 8 ghi nhận 12 ca và đã có 4 ca tử vong. Điển hình nhất là lần đầu tiên Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nữ mắc Whitmore với trình trạng vi khuẩn Whitmore ăn cánh mũi. Trước khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do tụ cầu nhưng vào viện được bác sĩ cấy máu và mủ ở vết thương cho kết quả dương tính với vi khuẩn Whitmore. Chính vì thế, các bác sĩ phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định, bệnh Whitmore không lây từ người sang người, những ca bệnh này vẫn thường xuyên có mặt và không gây ra dịch, chỉ có những ca bệnh tản phát. 

Theo nghiên cứu, Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Whitmore gây những ca bệnh tản phát nhưng dẫn tới những biến chứng hết sức nặng nề: từ nhiễm trùng huyết, cho tới tổn thương tại chỗ và đặc biệt tổn thương vào phổi. Vì nó giống như một tổn thương của tụ cầu, hoặc là lao, làm cho các bác sĩ dễ nhầm lẫn về chẩn đoán. Do vậy, việc phát hiện và khẳng định phải nhờ vào yếu tố của vi sinh vật học..

Bệnh Whitmore có diễn biến phức tạp, có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp. Có tới 90% số ca mắc bệnh Whitmore người bệnh có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, một nửa số bệnh nhân này có nguy cơ có biến chứng sốc nhiễm khuẩn và có thể tử vong. Ở trẻ chẩn đoán tương đối dễ hơn bởi thường có triệu chứng sưng tuyến mang tai, nhiễm khuẩn huyết, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh…

Theo GS Kính, những năm qua, Việt Nam đã phát triển bộ Kít xét nghiệm nên chẩn đoán whitmore được tốt hơn, việc phát hiện các ca bệnh cũng được nhiều hơn. Nước ta là nước nhiệt đới, đông dân, người dân chân lấm tay bùn, trong khi vi khuẩn bệnh whitmore luôn luôn có trong bùn, đất, người nào không có miễn dịch đủ mạnh mới có thể lây bệnh. Hiện nay, whitmore là căn bệnh chưa có vaccine tiêm phòng, cũng như chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Cao điểm của bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 11. Do bệnh sẵn có trong môi trường nên những ai có tổn thương trên da, mụn nhọt... cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm. Nếu không may bị bẩn cần phải được rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục