Phương pháp nào giúp chẩn đoán bệnh Whitmore?

P.V, icon
08:05 ngày 16/09/2019

VTV.vn - Với một bệnh có tỷ lệ tử vong cao như Whitmore, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm để đưa ra phác đồ điều trị là yếu tố quyết định tới tính mạng bệnh nhân.

Bệnh nhân mắc bệnh Whitmore sau điều trị sưng khớp gối.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân, Khoa Tai Mũi họng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, việc chẩn đoán bệnh Whitmore được thực hiện dựa trên các xét nghiệm vi sinh học trong máu, mủ, nước tiểu, đờm, hoặc tại phần da bị tổn thương. Xét nghiệm máu rất hữu ích để phát hiện sớm các trường hợp cấp tính của bệnh Whitmore.

Trong trường hợp phát hiện trực khuẩn Whitmore trong máu thì đó là nhiễm trùng máu. Trong dịch khớp đó là viêm mủ khớp do vi khuẩn Whitmore hay phát hiện ổ áp xe ở cơ thì đó là thể bệnh áp xe cơ...

Cũng theo bác sĩ Ngân, nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân nhất là thể nhiễm trùng máu, nặng nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng... bệnh nhân dễ tử vong.

Đáng lưu ý, trong chẩn đoán bệnh Whitmore, khi làm các xét nghiệm cho kết quả âm tính thì vẫn chưa thể hoàn toàn loại trừ bệnh nhân có mắc bệnh hay không. Trong trường hợp này, nếu bác sĩ vẫn suy đoán đó chính là bệnh Whitmore thì phải tiếp tục lấy mẫu máu thứ hai hoặc hơn để kiên trì phát hiện vi khuẩn.

Bệnh Whitmore gặp thường xuyên nhất ở Đông Nam Á và Bắc Úc. Bệnh cũng thấy ở Nam Thái Bình Dương, Châu Phi, Ấn Độ, và Trung Đông. Ở Việt Nam, hầu hết các bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Các loại vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy trong đất, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực. Người nhiễm bệnh thường do tiếp xúc với đất bị ô nhiễm qua các vết trầy xước ngoài da, có thể gặp do hít phải bụi nhiễm vi khuẩn. Nhiễm trùng thường xảy ra trong mùa mưa.

Triệu chứng của bệnh Whitmore

- Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh Whitmore xuất phát từ nhiễm trùng ở phổi, nơi có thể hình thành một khoang chứa mủ (áp xe phổi).

- Tình trạng bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng. Bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực, và đau nhức các cơ bắp.

- Bệnh còn có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) kèm với sốt và đau cơ.

- Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc được hít vào qua đường hô hấp gây viêm nhiễm ở thần kinh trung ương, tuyến mang tai, xương khớp, gây áp xe ở gan và lách, viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm trùng da, cơ vân.

- Bệnh có thể lan tỏa từ da vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, hoặc diễn tiến thành một hình thái whitmore mạn gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp, và mắt.

Điều trị bệnh Whitmore

- Việc điều trị bao gồm dùng kháng sinh, phẫu thuật tùy thuộc vào vị trí và mức độ của bệnh.

- Đối với những bệnh nhân nặng hơn, cần điều trị kết hợp hai trong số các loại kháng sinh trong thời gian kéo dài đến 12 tháng.

- Nếu có biểu hiện của whitmore phổi và nếu cấy vi khuẩn vẫn còn dương tính sau 6 tháng, cần xem xét đến việc phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi để loại bỏ các áp xe phổi.

Hiện nay, bệnh Whitmore không có vaccine và không phương pháp phòng bệnh đặc hiệu. Trong khi đó, bệnh lại dễ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với các vi khuẩn mang bệnh qua da trầy xước, đường hô hấp, ăn uống. Do đó, việc bảo hộ lao động khi tay, chân cơ thể tiếp xúc với bùn đất; bảo vệ tố đường hô hấp là biện pháp dự phòng tốt nhất.

Bệnh Whitmore có lây từ người sang người hay không? Bệnh Whitmore có lây từ người sang người hay không?

VTV.vn - GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam chia sẻ thêm thông tin về bệnh Whitmore - căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao đang khiến nhiều người lo sợ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục