Ca cấy ghép khí quản đầu tiên tại Mỹ đã thành công

Nhật Anh, icon
07:28 ngày 08/04/2021

VTV.vn - Một người phụ nữ 56 tuổi tại Mỹ, có tiền sử bị hen suyễn nặng, đã có thể thở dễ dàng sau khi trải qua ca ghép khí quản đầu tiên tại nước này.

Hình: AP

Theo hãng tin AP, các bác sĩ tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York đã thực hiện thành công ca ghép khí quản cho bà Sonia Sein hồi tháng 1. Hiện sau gần 3 tháng phẫu thuật, bệnh nhân chưa xuất hiện biến chứng hay dấu hiệu đào thải.

"Bây giờ tôi cảm thấy sức khỏe tốt. Tôi có thể khiêu vũ với cháu gái, nô đùa quanh nhà", bà Sein chia sẻ.

Tiến sĩ David Klassen, Giám đốc Y tế của Cơ quan Giám sát Hệ thống Cấy ghép của Mỹ (UNOS), cho biết: Đây là ca ghép khí quản đầu tiên ở đất nước này và có kỹ thuật rất khó thực hiện.

Các chuyên gia cũng nói còn quá sớm để coi trường hợp này là thành công hoàn toàn. Bà Sein phải dùng loại thuốc rất mạnh để ngăn chặn đào thải nội tạng. Bác sĩ hy vọng có thể cai thuốc cho bà trong vài năm tới.

"Ca phẫu thuật khả quan. Đó là một bước tiến lớn" - Tiến sĩ Alec Patterson, bác sĩ phẫu thuật ghép tạng tại Đại học Washington ở St Louis, cho biết.

Ca cấy ghép khí quản đầu tiên tại Mỹ đã thành công - Ảnh 1.

Bà Sein đã được phẫu thuật nhiều lần để tái tạo lại khí quản nhưng không có tác dụng. (Ảnh minh họa: AP)

Trước đó, vào năm 2014, bà Sein được đặt ống thở vào cổ họng do bị hen suyễn nặng. Sau đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật nhiều lần để tái tạo lại khí quản nhưng không có tác dụng, bà bị ngạt thở thường xuyên.

Cho đến nay, các bác sĩ có rất ít lựa chọn tốt để điều trị tổn thương khí quản nghiêm trọng. Các lựa chọn bao gồm loại bỏ phần bị hư hỏng của khí quản, sửa chữa hoặc thay thế chúng bằng bộ phận giả, mô nuôi cấy trong phòng thí nghiệm hay mô tự cung cấp từ da và sụn sườn của bệnh nhân. Tuy nhiên, những kỹ thuật này có thể không phục hồi chức năng đầy đủ của khí quản như mở rộng và thu gọn khi con người thở, nuốt và ho. Ngoài ra, phương pháp này không thể thực hiện trong trường hợp toàn bộ khí quản của bệnh nhân bị tổn thương.

Tiến sĩ Eric Genden, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết khi toàn bộ khí quản của bệnh nhân bị tổn thương, cấy ghép có thể là hy vọng duy nhất của họ. Thủ thuật này có thể giúp những người bị dị tật khí quản bẩm sinh, các bệnh đường thở không thể điều trị hoặc tổn thương rộng do máy thở, trong đó có bệnh nhân COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục