Cà Mau: Tập trung kiểm tra các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao trong dịp Tết

TTXVN, icon
06:18 ngày 01/01/2023

VTV.vn - Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của Cà Mau sẽ tập trung kiểm tra các sản phẩm, nhóm sản phẩm sử dụng nhiều, có nguy cơ ngộ độc cao dịp Tết.

Hình minh họa.

Nhằm hạn chế tối đa số vụ ngộ độc và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm trong dịp Tết Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023, Ban Chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; đẩy mạnh hoạt động kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm liên quan đến sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng, hàng cấm...

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau, tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp để kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh sự chồng chéo; kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm; huy động sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra liên ngành các cấp tập trung kiểm tra đối với các sản phẩm, nhóm thực phẩm sử dụng nhiều, có nguy cơ ngộ độc cao trong dịp Tết như: thịt và các thực phẩm chế biến từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... cùng các cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống trên địa bàn. Trong đó, các địa phương chú trọng kiểm tra từ đầu mối sản xuất, kinh doanh, chợ đầu mối, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có hơn 860 cơ sở sản xuất thực phẩm, 6.775 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1.733 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... Năm 2022, Chi cục đã tổ chức 488 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 6.396 lượt cơ sở với 8.260 sản phẩm, qua đó, phát hiện 669 lượt cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Địa bàn tỉnh có hàng ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhưng đa số là quy mô vừa và nhỏ, sản xuất thủ công, dây chuyền còn lạc hậu, một số công đoạn sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa thể hiện tốt trách nhiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vẫn còn đối phó khi có lực lượng đến kiểm tra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục