Cẩn trọng với bệnh liệt mặt, méo miệng do lạnh

P.V, icon
06:00 ngày 29/01/2021

VTV.vn - Giá lạnh, rét buốt đặc biệt vào sáng sớm và ban đêm khiến số người nhập viện do liệt mặt, méo miệng đến bệnh viện điều trị tăng cao.

Tỉnh dậy sau một đêm, anh N.T.L.T. (26 tuổi, trú tại Quảng Yên, Quảng Ninh) không khỏi bàng hoàng khi nhận thấy khuôn miệng méo xệch của mình.

"Sáng ngủ dậy, tôi uống nước súc miệng thì nước bị trào ra, miệng lệch hẳn sang một bên. Ngay sau đó, tôi rất lo lắng và đến Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám và được biết mình mắc bệnh liệt dây thần kinh số 7 do thời tiết" - anh T. chia sẻ.

Sau 2 ngày điều trị bằng phương pháp laser, bấm huyệt vùng mặt, khuôn mặt anh T. cải thiện đáng kể, có thể khép một bên mắt được, miệng đỡ lệch hơn trước.

Còn anh P.Đ.K. (33 tuổi, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) xuất hiện tình trạng tê lưỡi, cứng mặt, miệng bị kéo lệch sang bên trái trong 3 ngày trước khi nhập viện, nói, ăn uống khó khăn.

Anh K. được bác sĩ Khoa Thần kinh - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám và điều trị bệnh liệt dây thần kinh số 7. Sau 2 tuần điều trị, cơ mặt anh đã dần trở lại bình thường, nói rõ tiếng.

Cẩn trọng với bệnh liệt mặt, méo miệng do lạnh - Ảnh 1.

Về nguyên nhân gây bệnh, BSCKI Phan Minh Hải, Phó Trưởng khoa Thần kinh - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng cho biết: Liệt mặt méo miệng là triệu chứng của tổn thương dây thần kinh số 7, có thể do nguyên nhân trung ương hoặc ngoại biên. Trong đó, liệt 7 ngoại biên do lạnh là bệnh thường gặp, do tình trạng mạch nuôi của dây thần kinh bị co thắt dẫn đến thiếu máu cục bộ, phù nề, chèn ép vào dây thần kinh trong ống fallop. Triệu chứng thường cấp tính có liên quan đến thời tiết lạnh, hay xảy ra vào ban đêm.

Bệnh liệt mặt, méo miệng do lạnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, từ trẻ nhỏ đến thanh niên, người già. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện khá đột ngột sau một đêm ngủ dậy và không có dấu hiệu báo trước. Một số biểu hiện của bệnh như:

- Đột ngột thấy hai bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất nếp nhăn trán.

- Mắt nhắm không kín, lông mày sụp xuống, rãnh mũi - má mờ, méo miệng, góc mép miệng bị xệ xuống.

- Chảy dãi hoặc nước một góc miệng, thức ăn hay đọng lại ở má bên liệt, người bệnh không làm được các động tác: phồng má, cười, chu môi, nhăn trán.

Về tiến triển của bệnh, bệnh liệt mặt, méo miệng không nguy hiểm đến tính mạng, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách, bệnh có thể được chữa khỏi từ 70 - 100%. Trường hợp nhẹ hoặc điều trị sớm có thể hồi phục sau 10 - 20 ngày. Trường hợp điều trị muộn, không được điều trị đúng cách có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co kéo nửa mặt. Nguy hiểm nhất là bị viêm loét giác mạc do mắt không nhắm được, gây khô mắt, nhiễm trùng giác mạc dẫn đến viêm, loét giác mạc.

Vì vậy, khi phát hiện ra các triệu chứng của bệnh liệt mặt, méo miệng thì cần đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm tránh các biến chứng đáng tiếc.

Để phòng bệnh, quan trọng nhất là giữ ấm vùng đầu, mặt, cổ. Buổi sáng ngủ dậy nên ở trong phòng ấm 10 - 15 phút làm quen thời tiết trước khi ra ngoài. Khi trẻ chơi ngoài trời lạnh, cha mẹ cần chú ý cho bé mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn. Tránh ngồi nơi gió lùa, không tắm quá khuya, đi đường xa phải đeo kính bịt mặt, che ấm cả hàm, đeo khẩu trang, không nên cho các cháu nhỏ ngồi phía trước xe. Sau khi uống rượu, bia thì không đi ngoài trời lạnh hay tắm lạnh. Đồng thời, tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa để lại những di chứng của bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục