Châm cứu trị liệu - Những điều cần biết

P.V, icon
07:08 ngày 22/11/2019

VTV.vn - Châm cứu là liệu pháp tìm lại sự cân bằng, điều hòa âm dương cho cơ thể. Bởi khi cơ thể bị rối loạn, mất cân bằng sẽ dẫn tới nhiều bệnh tật.

Hình minh họa.

Theo chia sẻ của bác sĩ Hà Thị Xuân, Khoa Y dược cổ truyền - Vật lý trị liệu, Bệnh viện đa khoa Thành phố Cần Thơ, châm cứu sử dụng kim châm để tác động lên các huyệt vị mà không dùng dược chất đưa vào cơ thể nên có tính an toàn cao, ít gây tác dụng phụ và cho hiệu quả lâu bền. Tuy nhiên, châm cứu chỉ thực sự hiệu quả khi được thực hiện bởi các bác sĩ, thầy thuốc có chuyên môn cao, kỹ thuật vững vàng.

Châm là dùng loại kim đặc biệt có độ dài ngắn, kích thước khác nhau để châm vào các huyệt vị trên cơ thể gọi là huyệt. Khi kim được châm vào cơ thể, tùy vào loại bệnh cần điều trị người thầy thuốc chọn lựa phác đồ huyệt vị thích hợp, các kỹ thuật nhất định để đạt được mục đích đả thông kinh mạch, khí huyết, trừ khử bệnh tật, nâng cao sức khỏe.

Cứu là dùng sức nóng tác động lên huyệt để kích thích tạo nên phản ứng của cơ thể, nhằm đạt được mục đích phòng và trị bệnh.

Quá trình châm cứu sẽ tạo ra cơ chế phản xạ phức tạp trong cơ thể, từ đó đạt được hiệu quả điều trị:

- Phản ứng tại chỗ: Khi châm cứu vào một huyệt đạo bất kỳ sẽ tạo ra một cung phản xạ mới làm ức chế phản xạ do bệnh lý gây ra. Từ đó làm giảm triệu chứng bệnh, giảm đau nhức cho bệnh nhân.

- Phản ứng tiết đoạn: Khi một cơ quan nội tạng bất kỳ trên cơ thể có tổn thương do bệnh lý gây ra sẽ tạo ra những thay đổi về cảm giác trên da tại vị trí tiết đoạn của cơ quan đó. Việc châm cứu vào huyệt đạo sẽ giúp điều chỉnh những phản ứng do bệnh lý gây ra tại chính tiết đoạn đó.

- Phản ứng toàn thân: Châm cứu còn tạo ra phản xạ toàn thân như những thay đổi về hoạt động nội tiết, thể dịch, làm tăng bạch cầu, tăng kháng thể… Để tạo ra phản ứng toàn thân, khi trị liệu, bác sĩ không chỉ châm cứu và những huyệt đạo gần vị trí bị bệnh, mà còn châm cứu cả những huyệt đạo xa như huyệt Hợp cốc, Nhân trung…

Cũng theo bác sĩ Hà Thị Xuân, việc châm cứu nếu được thực hiện bài bản đúng quy trình và kỹ thuật không hề gây đau đớn cho bệnh nhân. Khi kim châm vào huyệt đạo bệnh nhân chỉ cảm thấy hơi tê nhức nhẹ, sau đó là cảm giác dễ chịu, khoan khoái sau khi rút kim.

Mặc dù được đánh giá là phương pháp trị liệu cho hiệu quả cao và an toàn, tuy nhiên châm cứu không dành cho 100% bệnh nhân. Một số trường hợp sau đây không nên tiến hành trị liệu châm cứu để tránh gặp tác dụng phụ nguy hiểm:

- Người có cơ địa quá nhạy cảm, không chịu được châm cứu.

- Cơ thể suy kiệt, sức đề kháng giảm, bệnh nhân tiểu đường.

- Người đang gặp chấn thương bao gồm cả vết thương kín và hở.

- Người đang có những vùng viêm nhiễm, lở loét trên da.

- Người mắc các bệnh ngoại khoa như: viêm ruột thừa, thủng dạ dày, viêm vòi trứng…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục