Châm cứu - Phương pháp hiệu quả trong điều trị rối loạn giấc ngủ

P.V, icon
12:17 ngày 05/10/2019

VTV.vn - Rối loạn giấc ngủ gồm những rối loạn liên quan đến chất lượng, số lượng và thời điểm khác nhau của giấc ngủ cùng những hiện tượng bất thường xảy ra trong giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, gây trở ngại cho các hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần cũng như ảnh hưởng lớn đến cảm xúc của người bệnh. Trong đó, bệnh mất ngủ kéo dài dẫn đến mệt mỏi, thiếu tập trung, giảm năng suất làm việc đồng thời làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý kèm theo như: trầm cảm, lo âu, tim mạch, đái tháo đường, béo phì...

Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ người bị rối loạn giấc ngủ chiếm khoảng 23% dân số, trong đó 50% người bị mất ngủ suốt hơn 1 tháng. Ở Việt Nam, thống kê gần đây cho thấy: Tỷ lệ người dân bị mất ngủ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa thần kinh chiếm 10 - 20%. Theo một nghiên cứu khảo sát tình trạng mất ngủ trong cộng đồng dân cư tại TPHCM, kết quả có khoảng 33% dân số bị một trong nhiều triệu chứng mất ngủ và khoảng 30% bệnh mất ngủ có liên hệ bệnh tâm thần.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, số lượng người đến khám vì mất ngủ chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Tuy nhiên, bệnh mất ngủ còn được phát hiện khi người bệnh đến khám vì các nguyên nhân khác với tỷ lệ khoảng 35 - 40%.

Theo PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường, Trưởng Khoa Y học cổ truyền - Đại học Y Dược TPHCM, bệnh mất ngủ có thể điều trị bằng nhiều phương pháp như vệ sinh giấc ngủ (thức giấc cùng một giờ hàng ngày, giới hạn thời gian nằm trên giường trước khi ngủ, không dùng các chất kích thích thần kinh trung ương...), điều trị bằng thuốc hóa dược, thuốc thảo dược, liệu pháp tâm lý hành vi, thiền định, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh, châm cứu... Trong đó, châm cứu là phương pháp an toàn thuộc nhóm điều trị không dùng thuốc, được sử dụng từ rất lâu đời, an toàn, có hiệu quả và tần suất sử dụng nhiều nhất theo thống kê năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh tính hiệu quả cũng như không gây tác dụng phụ của những phương pháp châm cứu trong điều trị bệnh mất ngủ.

Châm cứu - Phương pháp hiệu quả trong điều trị rối loạn giấc ngủ - Ảnh 1.

Mới đây, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 tiếp nhận điều trị cho nữ bệnh nhân N.T.U., 41 tuổi, trú tại tỉnh Long An.

Bệnh nhân bị mất ngủ suốt 3 năm nay với các triệu chứng như khó vào giấc ngủ, một đêm chỉ ngủ được khoảng 3 giờ, có hôm thức trắng, giấc ngủ không sâu, thường xuyên gặp ác mộng và tỉnh giấc liên tục. Không thể ngủ ngon giấc, bệnh nhân phải sử dụng thuốc an thần trong một thời gian dài dẫn đến trầm cảm, suy giảm trí nhớ.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã thăm khám và tiến hành điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc Đông y và xoa bóp cho bệnh nhân. Sau 2 liệu trình kéo dài 1 tháng, bệnh nhân vào giấc tốt, ngủ được trung bình 5 giờ mỗi đêm và chỉ còn ác mộng vào cuối giấc.

Sau đó, bệnh nhân tiếp tục tuân thủ liệu trình điều trị. Kết quả sau 3 tháng, bệnh nhân khỏe hoàn toàn, không còn bị mất ngủ, sức khỏe và tinh thần ngày càng tốt hơn.

Một trường hợp khác là nam bệnh nhân C.V.P., 22 tuổi, trú tại TPHCM. Bệnh nhân bị mất ngủ suốt 1 tháng, khó vào giấc, chỉ ngủ được 4 giờ/đêm, giấc ngủ không sâu, tỉnh giấc khó ngủ lại, nhiều đêm thức trắng kèm đau đầu vào mỗi buổi sáng.

Sau khi đến khám tại Khoa Y học cổ truyền, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc Đông y. Chỉ sau 1 liệu trình kéo dài 2 tuần, bệnh nhân dễ ngủ hơn, trung bình mỗi đêm 5 giờ và giảm đau đầu rõ rệt.

Tiếp tục điều trị thêm 3 liệu trình, bệnh nhân ngủ được trung bình 6 giờ mỗi đêm, giấc ngủ sâu và không còn bị đau đầu. Hiện, bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị bằng việc kết hợp thuốc và châm cứu.

PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường cho biết: Tùy theo chẩn đoán y học cổ truyền, có nhiều hình thức châm cứu khác nhau được sử dụng để điều trị mất ngủ như thể châm (châm kim vào huyệt vị trên cơ thể), điện châm (kết hợp dòng điện xung), nhĩ châm (châm trên các huyệt vị ở loa tai), cứu (sử dụng ngải cứu để hơ ấm nóng trên các vùng huyệt), đầu châm (châm trên các vùng đầu châm khác nhau), phúc châm (châm trên các vùng huyệt ở bụng)…

Châm cứu - Phương pháp hiệu quả trong điều trị rối loạn giấc ngủ - Ảnh 2.

Để đạt hiệu quả điều trị bằng phương pháp châm cứu, bệnh nhân cần phối hợp với bác sĩ trong quá trình thăm khám để chẩn đoán chính xác thể bệnh và nguyên nhân gây bệnh; tuân thủ phác đồ điều trị, khai báo những thay đổi triệu chứng qua các lần điều trị châm cứu; không châm cứu khi quá đói, quá no hoặc có các bệnh rối loạn đông cầm máu, viêm loét da, nhiễm trùng.

Đồng thời, PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường khuyến cáo: Mất ngủ là bệnh lý ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh, có thể là khởi đầu của một bệnh lý thực tổn. Nguyên nhân gây bệnh có thể xuất phát từ những rối loạn tâm thần như trầm cảm, stress, rối loạn lo âu, các nguyên nhân thực thể khác như đau cấp và mạn tính (đau khớp, viêm loét dạ dày tá tràng...), lạm dụng thuốc và các chất kích thích… Đôi khi người bệnh mắc chứng mất ngủ mà không có bất cứ nguyên nhân cụ thể về bệnh tâm thần hay bệnh thực thể nào.

Vì vậy, khi bị mất ngủ, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị một cách tốt nhất, tránh lạm dụng các loại thuốc ngủ, thuốc an thần khiến bệnh trầm trọng hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục