Châu Âu sẵn sàng trước "làn sóng" COVID-19 thứ hai

Nguyễn Mai, icon
09:11 ngày 02/08/2020

VTV.vn - Số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở châu Âu đang dần tăng trở lại và có thể lên tới những mức cao như thời điểm đỉnh dịch của "làn sóng thứ nhất".

Tây Ban Nha là một trong những điểm nóng dịch bệnh ở châu Âu.

Tây Ban Nha trong tuần qua đã ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng mạnh, cao gấp gần 10 lần so với các mức thấp hồi tháng 6, thời điểm lệnh phong tỏa ở quốc gia Nam Âu được dỡ bỏ. Dữ liệu từ Bộ Y tế nước này cho thấy: Số ca mắc COVID-19 trung bình hằng ngày trong những ngày gần đây lên tới 1.900 ca, so với mức dưới 400 ca/ngày trong tháng 6. Nhằm đối phó với đợt bùng phát mới, giới chức địa phương ở Tây Ban Nha đã áp dụng trở lại hàng loạt biện pháp như: cấm tụ tập đông người; siết chặt quản lý đối với các nhà hàng, quán bar. 

Hồi giữa tháng 7, chính quyền Catalonia cũng tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở Lleida, một thành phố có khoảng 140 nghìn dân. Các hộp đêm tại Barcelona và nhiều điểm nóng khác ở Tây Ban Nha gần đây cũng bị ngưng hoạt động hoặc được lệnh đóng cửa sớm. Mục tiêu là nhằm tránh lặp lại kịch bản phong tỏa toàn quốc như hồi đầu năm.

Ngày 27/7, Antwerp - tỉnh đông dân nhất của Bỉ - đã ban bố lệnh giới nghiêm vào buổi tối đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu, đồng thời bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng; người dân cũng được khuyến cáo nên ở nhà nếu không có việc cần thiết phải ra ngoài. Giới chức Bỉ cũng siết chặt các biện pháp hạn chế trên toàn quốc cho đến cuối tháng 8, sau khi số ca mắc mới có xu hướng tăng. Các biện pháp có thể kể đến như: giới hạn tụ tập không quá 5 người; mỗi người chỉ được mua sắm không quá 30 phút trong siêu thị.

Những ổ dịch COVID-19 mới cũng đã xuất hiện ở Đức, tại các nhà dưỡng lão, công sở và các bữa tiệc tư nhân, buộc giới chức nước này phải áp đặt các lệnh phong tỏa cục bộ. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh quốc gia Đức đánh giá thực trạng gia tăng số ca mắc mới COVID-19 gần đây ở nước này rất đáng lo ngại. Đức từng được coi là hình mẫu trong phòng chống dịch, nhưng ngay sau khi nới lỏng phong tỏa, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 bắt đầu tăng nhanh, từ hơn 300 ca lên khoảng 700 - 800 ca/ngày.

Tại Italy, số ca nhiễm mới mỗi ngày cũng có dấu hiệu gia tăng trở lại mức trên dưới 300 ca/ngày, trong đó đỉnh điểm là số ca nhiễm mới ngày 31/7 lên tới 379 ca. Mặc dù số ca nhiễm không tăng mạnh như các nước khác, nhưng "đất nước hình chiếc ủng" mới đây vẫn quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 cho đến ngày 15/10. Giới chuyên gia đánh giá việc kéo dài tình trạng khẩn cấp sẽ tiếp tục cho phép cả chính quyền trung ương lẫn địa phương có nhiều quyền hơn trong xử lý đại dịch. Chẳng hạn như các bộ trưởng có thể dễ dàng tuyên bố thiết lập các vùng đỏ nếu dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, hoặc tăng cường các nguồn lực cho hệ thống bệnh viện. Thủ tướng Italy Giussepe Conte cho rằng việc gia hạn tình trạng khẩn cấp là điều cần thiết trong bối cảnh các số liệu của chính phủ cho thấy "virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan". Nếu lệnh khẩn cấp không được tiếp tục gia hạn, nhiều sắc lệnh hiện tại của chính phủ thực sự sẽ không còn khả năng kiềm chế dịch bệnh và trở nên vô giá trị.

Do mùa Hè sắp kết thúc, nên việc cần phải ngăn chặn các đợt bùng phát dịch bệnh mới trên khắp châu Âu đang ngày càng trở nên cấp thiết. Các quốc gia châu Âu đang rất lo ngại mùa Thu tới là thời điểm người dân bắt đầu dành nhiều thời gian hơn ở trong nhà, đồng thời bệnh cúm cùng với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác gia tăng sẽ khiến hệ thống bệnh viện bị quá tải. Những nước có hệ thống bệnh viện từng bị quá tải do COVID-19 có thể sẽ phải đối mặt với mối nguy này một lần nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục