Chủ động phòng chống lao ở trẻ em

P.V, icon
06:06 ngày 10/01/2023

VTV.vn - Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh lao vì miễn dịch của trẻ còn yếu.

Hình minh họa.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số bệnh nhân lao mới trên người lớn vào năm 2021 tăng 3,6% so năm 2020. WHO ước tính số trẻ mắc lao chiếm khoảng 10-12% trong tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hằng năm. Theo đó, mỗi năm nước ta có khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị.

Trẻ em đa phần mắc lao ở độ tuổi dưới 5 tuổi, chiếm khoảng 50% tổng số trẻ mắc bệnh. 80% các ca bệnh lao ở trẻ là lao phổi. Phần lớn các trường hợp này không phát hiện được vi khuẩn do trẻ không ho khạc đờm được, không làm được xét nghiệm vi khuẩn. Trong khi đó, xét nghiệm chẩn đoán lao chủ yếu dựa trên xét nghiệm đờm để tìm vi khuẩn lao. Bên cạnh đó, triệu chứng lao ở trẻ em không đặc hiệu, trẻ không thể nói rõ được các triệu chứng, khó phân biệt với các bệnh hô hấp khác.

Chương trình Chống lao Quốc gia mới chỉ thống kê được khoảng 10 đến 15% số trẻ mắc mới. Có thể rất nhiều trẻ mắc lao chưa được phát hiện và điều trị. Hoặc không loại trừ có không ít trẻ mắc lao điều trị tại bệnh viện tư, cơ sở chuyên khoa nhi… mà chưa được báo cáo với chương trình chống lao quốc gia.

Bệnh lao ở trẻ không khó điều trị, phác đồ ngắn hơn. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh ở trẻ khó hơn so với người lớn do các triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Trẻ sống trong gia đình có người mắc lao phổi, có nguy cơ lây nhiễm cao hơn trẻ khác, nhất là các bé dưới 5 tuổi, nhiễm HIV.

Có nhiều thách thức trong việc tăng cường phát hiện bệnh lao ở trẻ. Chỉ khi trẻ đã có những dấu hiệu nặng như ho ra máu, sốt, sút cân kéo dài… gia đình mới nghĩ đến khả năng con mắc lao. Về yếu tố lâm sàng, lượng vi khuẩn lao trong nước bọt, đờm của trẻ thường thấp khiến việc chẩn đoán lao cũng phức tạp hơn.

Trong cộng đồng, một số trẻ đã nhiễm vi khuẩn lao nhưng vì có sức đề kháng tốt nên không tiến triển thành bệnh ngay lúc đó - hay còn gọi là lao tiềm ẩn. Trong trường hợp này, gia đình vẫn nên cho trẻ đi sàng lọc, điều trị lao tiềm ẩn ngay.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và điều trị bệnh lao. Phụ nữ được xem là mắt xích rất cần thiết trong công tác phòng chống lao, bởi họ là những thành viên tích cực của công tác phát hiện bệnh lao và thanh toán nguồn lây.

Việc phụ nữ có hiểu biết, tham gia vào công tác truyền thông giúp người dân phát hiện lao sẽ giúp bảo vệ trẻ ngay từ trong gia đình. Để phòng bệnh cho trẻ, điều đầu tiên là cần bảo đảm tiêm đầy đủ vaccine phòng lao cho trẻ. Tuy nhiên, vaccine phòng lao BCG có tác dụng nhất định trong dự phòng mắc lao nhưng hiệu lực bảo vệ không phải là 100% trong suốt cuộc đời. Do đó, cần phải nâng cao nhận thức của bố mẹ và gia đình về bệnh lao ở trẻ em để nhận biết các dấu hiệu từ sớm, đi khám và điều trị kịp thời, thậm chí có thể thực hiện sàng lọc lao định kỳ để loại trừ nguy cơ bệnh.

Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng, kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi người bệnh phát bệnh đến khi tử vong thì virus lao đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục