Đái tháo đường thai kỳ: Những nguy cơ có thể xảy ra cho mẹ và bé

Linh Chi, icon
10:11 ngày 15/11/2020

VTV.vn - Đái tháo đường thai kỳ là đái tháo đường xảy ra trên phụ nữ được phát hiện lần đầu tiên khi mang thai.

Hình minh họa.

Theo chia sẻ của bác sĩ Ngô Thế Phi, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), sự thay đổi nội tiết tố và tăng cân là 2 vấn đề xảy ra trong thời kỳ mang thai, làm cho cơ thể đề kháng insulin. Khi đó, đường huyết sẽ tăng cao trong máu, gây nhiều tác dụng xấu, đặc biệt không tốt cho thai nhi.

Thai phụ có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ nếu bị thừa cân, có đái tháo đường thai kỳ trước đây, có tiền căn gia đình bị đái tháo đường hay có đường glucose trong nước tiểu...

Đái tháo đường thai kỳ nếu không được điều trị, có thể có nhiều tác dụng xấu trên thai nhi: Thai lớn có thể gây sinh khó và nguy hiểm cho thai nhi, hạ đường huyết sau sinh, khó thở.

Phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng nhưng có thể tăng nguy cơ bị cao huyết áp trong thời kỳ mang thai, có nguy cơ thai to và phải sinh mổ.

Sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ sau sinh đường huyết sẽ trở về bình thường, tuy nhiên có nguy cơ cao bị đái tháo đường type 2 sau này. Nếu sau này có thai, có thể sẽ lại bị đái tháo đường thai kỳ.

Để phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ, cần có chế độ ăn phù hợp có lợi cho sức khỏe mẹ và thai nhi, đồng thời giữ đường huyết trong giới hạn bình thường bằng cách: giới hạn thức ăn nhiều tinh bột; ăn 3 bữa nhỏ và từ 1 tới 3 bữa ăn nhẹ mỗi ngày và ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ dưới dạng trái cây, rau xanh, gạo nguyên hạt, ngũ cốc, bánh mì; hoạt động thể lực như đi bộ hay bơi lội sẽ giúp ổn định đường huyết và theo dõi đường huyết thường xuyên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục