Điều trị bướu giáp - Những điều cần biết

Văn Thành, icon
02:07 ngày 13/02/2021

VTV.vn - Bướu nhân tuyến giáp là một bệnh lý khá thường gặp, khám lâm sàng có thể phát hiện bướu nhân tuyến giáp khoảng 4 - 7% dân số.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, lứa tuổi hay gặp nhất là từ 36 - 55 tuổi, ở phụ nữ gặp nhiều hơn gấp 5 lần so với nam giới. Có nhiều phương pháp điều trị bướu nhân tuyến giáp khác nhau, phụ thuộc vào đặc điểm siêu âm và kết quả tế bào học tế bào nhân giáp.

Điều trị nội khoa bằng thyroxine

Điều trị bằng thyroxin còn nhiều tranh cãi vì đáp ứng thấp, thường chỉ định cho các bệnh nhân ở vùng thiếu iot, bệnh nhân có nhân giáp nhỏ, bướu giáp keo và chắc chắn loại trừ khả năng ác tính. Phương pháp này thường ít áp dụng do hiệu quả không cao và có nhiều nguy cơ như gây tổn thương tim, giảm mật độ xương.

Phẫu thuật lấy nhân giáp

Chỉ định khi nhân ung thư hoặc nghi ngờ ung thư trên lâm sàng hoặc kết quả tế bào học hoặc khi bướu giáp quá to gây chèn ép. Ưu điểm của phương pháp điều trị là lấy hết bướu nhân, xác định được mô bệnh học, tuy nhiên có thể gặp những biến chứng như tổn thương thần kinh quặt ngược, suy giáp, suy cận giáp…

Điều trị bằng iot phóng xạ

Lựa chọn cho những bệnh nhân có bướu nhân hoạt động, kèm hoặc không kèm theo cường giáp. Chống chỉ định ở bệnh nhân là phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

Tiêm cồn qua da, hút dịch nang giáp

Một số nghiên cứu nêu tác dụng của tiêm cồn qua da dưới hướng dẫn của siêu âm để điều trị các bướu nhân đặc hoặc u hỗn hợp hoặc u nang. Nhìn chung, hiệu quả của phương pháp này tốt hơn so với điều trị ức chế bằng thyroxine. Điều kiện là kết quả tế bào lành tính, không phải là nhân tự chủ và thầy thuốc có kinh nghiệm, kỹ năng tốt. Tác dụng phụ chính là đau.

Với nang tuyến giáp đơn thuần, chọc hút dịch nang đơn thuần thì nang giáp có khuynh hướng tái phát, tỷ lệ tái phát là 10 - 80% phụ thuộc số lượng dịch được hút và thể tích nang. Chọc hút hết dịch nang sau đó tiêm ethanol vào nang có hiệu quả điều trị cao hơn, giảm tỷ lệ tái phát.

Nhiệt trị liệu

Bao gồm các phương pháp: Điều trị bằng sóng cao tần, vi sóng, đốt laser.

Các phương pháp này mới được áp dụng tại Việt Nam trong những năm gần đây, bước đầu cho thấy nhiều ưu điểm; an toàn, hiệu quả, giảm thời gian nằm viện, ít tai biến và biến chứng…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục