Điều trị ung thư tuyến giáp - Nguyên tắc cần biết

P.V, icon
07:17 ngày 24/07/2019

VTV.vn - Ung thư tuyến giáp là bệnh diễn biến âm thầm, ít khi có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đa số bệnh nhân có thể chữa khỏi bệnh.

Hình minh họa.

ThS.BS Lê Thanh Huyền- Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ung thư tuyến giáp là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất. Có các loại ung thư tuyến giáp sau:

- Ung thư biểu mô thể nhú: Khoảng 80% bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Biểu hiện nhân tuyến giáp cứng, chắc, không đau, thường là một nhân, nếu to có thể gây khó thở, nuốt khó, khàn giọng, thâm nhiễm da "hình ảnh mu rùa"; tỷ lệ di căn ít gặp 1 - 15%. Tiên lượng ung thư tuyến giáp thể nhú thường tốt nếu được điều trị kịp thời.

- Ung thư tuyến giáp thể nang: Chiếm khoảng 10% ung thư tuyến giáp. Biểu hiện nhân cứng, hay có di căn hạch vùng cổ, gặp ở nữ nhiều hơn nam, thường ở những vùng bướu cổ do thiếu i-ốt.

- Ung thư tuyến giáp thể tủy: Biểu hiện khối u cứng, ít đau, thường có hạch cổ đi kèm, nếu khối u phát triển to có thể gây các triệu chứng do chèn ép như nuốt vướng, khó thở, khàn tiếng. Tiên lượng xấu.

- Ung thư tuyến giáp không biệt hóa: Thường gặp ở người già, khối u thường to, phát triển nhanh, xâm lấn vào các tổ chức xung quanh, tiên lượng thường không tốt.

Điều trị ung thư tuyến giáp

- Phẫu thuật cắt tuyến giáp một phần hoặc toàn bộ nhằm loại bỏ khối u, đồng thời trong cuộc phẫu thuật bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng hạch vùng cổ có di căn hay không và lấy các hạch di căn.

- Điều trị tiếp bằng thuốc uống phóng xạ hoặc xạ trị ngoài có tác dụng tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Bác sĩ sẽ đánh giá bệnh nhân dựa vào đặc điểm của khối ung thư và mức độ di căn để chỉ định có điều trị xạ tiếp hay không. Hầu hết ung thư tuyến giáp không phải truyền hóa chất.

- Điều trị hormone tuyến giáp cho bệnh nhân sau phẫu thuật rất cần thiết. Đa số người bệnh cho rằng phẫu thuật, xạ trị là khỏi ung thư tuyến giáp, không cần điều trị theo dõi tiếp và đó là một quan niệm không đúng. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có chức năng tiết ra các hormone để đảm bảo hoạt động bình thường cho cơ thể. Vì vậy, sau phẫu thuật cắt tuyến giáp, đặc biệt khi cắt toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân có nguy cơ thiếu các hormone và có thể xuất hiện các triệu chứng bất thường.

Do đó, sau phẫu thuật, người bệnh cần được bác sĩ nội tiết đánh giá, bổ sung hormone tuyến giáp và theo dõi định kỳ hàng tháng tại chuyên khoa nội tiết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục