Đồng Nai triển khai mô hình điều trị viêm gan C lưu động

Sao Mai, icon
08:00 ngày 11/11/2021

VTV.vn - Sở Y tế Đồng Nai vừa ban hành văn bản yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và 8 Trung tâm Y tế huyện, thành phố về việc triển khai mô hình điều trị viêm gan C lưu động.

Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân tại Khoa phòng chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai.

Sở Y tế đề nghị Giám đốc, Thủ trưởng các đơn vị nghiên cứu nội dung triển khai mô hình điều trị viêm gan C lưu động theo hướng dẫn của Cục Phòng chống HIV/AIDS và căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để triển khai thực hiện.

Giao CDC Đồng Nai làm đầu mối hướng dẫn các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn triển khai mô hình; tăng cường truyền thông, quảng bá dịch vụ để bệnh nhân đồng nhiễm HIV/VGC được tiếp cận dịch vụ điều trị viêm gan C (VGC); quản lý thanh quyết toán theo quy định.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, dịch vụ lưu động điều trị VGC cho người đồng nhiễm HIV/VGC là dịch vụ khám, điều trị viêm gan C miễn phí cho người đồng nhiễm HIV/VGC đang triển khai điều trị VGC do Quỹ toàn cầu hỗ trợ và triển khai điều trị VGC lưu động tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS không đủ điều kiện hoặc không nằm trong các tỉnh, thành phố do Quỹ toàn cầu tài trợ.

Cơ sở y tế thực hiện thực hiện cung cấp điều trị VGC lưu động theo hình thức đội khám và điều trị VGC lưu động. Lựa chọn điểm cung cấp điều trị lưu động phù hợp với bệnh nhân, có thể các phòng khám, điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, thành phố do Quỹ toàn cầu hỗ trợ nhưng chưa triển khai điều trị đồng nhiễm HIV/VGC; các phòng khám, điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, thành phố lân cận do Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ; Phòng y tế của trại giam, trại tạm giam có triển khai HIV/AIDS.

Khi đi vào hoạt động dịch vụ lưu động điều trị VGC phải có người chịu trách nhiệm, chuyên môn kỹ thuật của đội khám, điều trị VGC lưu động và có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp; phạm vi chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành ngành nghề phù hợp với điều trị VGC. Các thành viên khác phải có chứng chỉ hành nghề. Trường hợp có thực hiện cấp phát thuốc thì người cấp phát thuốc phải có bằng cấp chuyên môn tối thiểu là dược tá hoặc là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề.

Có đầy đủ trang thiết bị có nguồn gốc rõ ràng và hộp thuốc chống choáng, thuốc cấp cứu và thuốc chữa bệnh phù hợp với hoạt phạm vi hoạt động chuyên môn về điều trị VGC…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục