Gần 1 triệu người mắc viêm gan C, chỉ có khoảng 35.000 người có điều kiện điều trị

icon
09:53 ngày 26/09/2019

VTV.vn - Theo thống kê của WHO năm 2017, Việt Nam có gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C nhưng chỉ có hơn 80.000 người được chẩn đoán, gần 35.000 người có điều kiện điều trị.

Viêm gan virus C thường rơi vào nhóm người nam tiêm chích ma túy, bệnh nhân AIDS, bệnh nhân bị gan, bệnh nhân lọc máu. Ngoài ra, một tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm gan virus C hiện nay do xăm mày, môi, xăm mình. Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C khu vực phía Nam cao hơn tại phía Bắc (Hà Nội là 6,5% và TP.HCM là 9%).

Chia sẻ tại Hội thảo Tổng kết Dự án tăng cường chẩn đoán và điều trị viêm gan virus C tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết: Nguyên nhân dẫn tới việc tiếp cận điều trị viêm gan virus C của người bệnh thấp như vậy xuất phát từ việc nhiều người chưa biết về tình trạng nhiễm virus viêm gan C. Chẩn đoán và điều trị chủ yếu tập trung ở tuyến trung ương và khu vực với chi phí cao. Chi phí điều trị cho người bệnh không xơ gan hiện nay còn rất cao so với khả năng chi trả của người bệnh, dao động từ 30 - 70 triệu đồng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh Phương - Trưởng Khoa Kinh tế Y tế, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế), giá các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAAs) điều trị viêm gan C thấp nhất tại Việt Nam cũng cao gấp từ 5 - 15 lần so với giá thuốc tham khảo của quỹ toàn cầu, luôn cao hơn các một số nước trong khu vực. Nguyên nhân chính là nước ta chưa có cơ chế mua sắm tập trung cấp quốc gia cho các thuốc này và bảo hiểm y tế chỉ chi trả 50% cho thuốc điều trị nên chi phí mà người bệnh phải bỏ ra rất đắt.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thanh toán thấp, hầu hết chưa được triển khai tại các tỉnh nên việc điều trị bệnh viêm gan C trở thành thách thức lớn. Tính sẵn có của thuốc DAAs bị hạn chế cũng khiến số lượng bệnh nhân được điều trị luôn ở mức thấp. Theo thống kê của Bộ Y tế tháng 7/2017, ước tính số người được điều trị viêm gan virus C là 4.500 người, rất thấp so với nhu cầu điều trị.

Để đảm bảo có thuốc điều trị cho bệnh nhân viêm gan virus C, Tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh Phương đề xuất Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể việc tổ chức đấu thầu các thuốc DAAs mới, bổ sung vào danh mục chi trả bảo hiểm y tế để các địa phương và cơ sở y tế thực hiện. Đưa các thuốc này vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá thuốc, giảm giá thuốc cung ứng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế. Xem xét các giải pháp để giá thuốc DAAs bán tại Việt Nam giảm về mức hợp lý.

GS.TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo thêm: Viêm gan virus C lây qua đường máu; tuy nhiên hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, người dân cần phòng tránh bệnh chủ động bằng cách: Hạn chế tối thiểu việc tiêm chích không cần thiết và không an toàn; thực hiện truyền máu và các sản phẩm máu cũng như thu gom và xử lý chất thải sắc nhọn an toàn; không xăm trổ, sử dụng ma túy có dùng chung dụng cụ tiêm chích; quan hệ tình dục an toàn với người bị nhiễm virus viêm gan C…

Việc khám sức khỏe tổng quát hiện nay cần có thêm chỉ định xét nghiệm viêm gan C. Tuy số người nhiễm viêm gan C ở Việt Nam thấp hơn so với người viêm gan B nhưng việc sàng lọc và chẩn đoán sớm là rất quan trọng, đặc biệt với những đối tượng có nguy cơ cao như: đã từng xăm trổ, nghiện hút ma túy, có HIV, quan hệ tình dục không an toàn… Việc tăng cường phát hiện sớm sẽ rất hữu ích trong công tác quản lý và điều trị vì viêm gan C là một trong những bệnh lây nhiễm có thể chữa khỏi hoàn toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục