Đục thủy tinh thể: nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa

Nhật Long, icon
03:44 ngày 14/12/2018

VTV.vn - TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: nguyên nhân chính gây mù là đục thủy tinh thể, chiếm tới 74%.

Hình minh họa (Ảnh: verywellhealth).

Đục thủy tinh thể là hiện tượng mờ đục thủy tinh thể. Sự mờ đục này ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh, kéo theo thị lực suy giảm. Nếu tình trạng đục thủy tinh thể để quá lâu mà không được chữa trị sẽ có thể dẫn đến tình trạng cườm nước, khiến bệnh nhân rất đau nhức ở mắt và làm tổn hại nặng nề đến các tế bào thần kinh thị giác trên võng mạc. Điều đó có thể gây mù vĩnh viễn dù được điều trị sau đó.

Theo TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, đục thủy tinh thể trước kia vẫn được xem là "bệnh của người già", ở người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên. Hiện nay, do tác động liên tục từ môi trường ô nhiễm, tia cực tím, hóa chất độc hại cùng tâm lý chủ quan, không chăm sóc đúng cách nên đục thủy tinh thể cũng ngày càng "trẻ hóa".

Nhiều người trong độ tuổi 30 - 40 đã bị đục thủy tinh thể, đa phần những người trẻ bị hoặc có dấu hiệu bị đục thủy tinh thể là dân văn phòng. Việc thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh nguy hiểm phát ra từ các thiết bị điện tử như máy vi tính, smartphone, iPad... không chỉ gây ra hội chứng thị giác màn hình mà loại ánh sáng có bước sóng ngắn, mang năng lượng cao này còn khiến thủy tinh thể dần trở nên mờ đục.

Bệnh đục thủy tinh thể diễn tiến từ từ. Biểu hiện ban đầu là giảm độ kính lão do xuất hiện cận thị chiết xuất; khi ra ánh sáng, mắt sẽ khó chịu nhưng không bị đau nhức, nhìn một vật thành hai hoặc ba. Sau đó, bệnh nặng hơn, mắt như nhìn qua một lớp kính mờ, thấy một điểm đen cố định trên nền mắt sáng; dần dần bệnh nhân không còn nhìn thấy gì.

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là những người tuổi trên 50 (chiếm 80%), tuổi càng cao nguy cơ mắc càng lớn. Ngoài ra, bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, cận thị, chấn thương ở mắt, đục thủy tinh thể sau bệnh lý khác của mắt: glocom, viêm màng bồ đào, tổn thương võng mạc... đục thể thủy tinh bẩm sinh.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, bệnh đục thủy tinh thể có khả năng chữa khỏi, nếu phát hiện sớm, việc điều trị vô cùng đơn giản bằng kỹ thuật mổ Phaco. Thị lực người bệnh được phục hồi tốt. Tuy nhiên, đa số người bệnh lại đến viện khi ở giai đoạn muộn, rất khó phục hồi thị lực. Điều quan trọng là phải biết phòng ngừa đục thủy tinh thể từ những nguyên nhân gây bệnh đã xác định được.

Nguyên nhân gây bệnh đục thủy tinh thể có thể do sự kết hợp của nhiều yếu tố nguy cơ như:

- Do môi trường sống ô nhiễm nhiều tia tử ngoại, khói bụi, vi khuẩn…

- Người mắc các bệnh về mắt tái đi tái lại nhiều lần: viêm giác mạc, viêm kết mạc, chấn thương mắt, khô mắt...

- Người mắc các bệnh mạn tính như: tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, bệnh về mắt…

- Do tác dụng phụ của một số thuốc như corticoid, thuốc hạ mỡ máu, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc trầm cảm...

- Do dinh dưỡng kém, suy giảm miễn dịch nên không bổ sung được đầy đủ dưỡng chất cho mắt.

- Dùng quá nhiều chất kích thích như: bia rượu, thuốc lá...

- Tiếp xúc nhiều với các xạ ion hóa được sử dụng trong X - quang và xạ trị ung thư.

- Trong gia đình có người mắc bệnh đục thủy tinh thể...

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Trong khoảng 329.300 người bị mù hai mắt thì có tới 243.700 người mù do đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp khẳng định: đây là bệnh có thể phòng ngừa. Bằng việc từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống bia rượu vì tác hại của gốc tự do từ khói thuốc lá ảnh hưởng gián tiếp tới quá trình đục thủy tinh thể.

Khám mắt thường xuyên có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở các giai đoạn sớm nhất. Điều trị và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường. Thực hiện đúng chế độ ăn kiêng nếu bị đái tháo đường, kiểm soát tốt đường huyết. Điều trị sớm các bệnh tại mắt như glocom, viêm màng bồ đào.

Người bị đục thủy tinh thể thường thiếu vitamin C, đồng, mangan, kẽm. Do đó, chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất chống ôxy hóa và chức năng gan tốt sẽ có tác dụng giúp phòng ngừa bệnh.

Tránh tiếp xúc nhiều, lâu với tia cực tím; cho mắt nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử…

Bộ Y tế hiện đang tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về bệnh đục thủy tinh thể, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về căn bệnh này. Tuy nhiên, điều quan trọng là người dân cần phải chủ động chăm sóc và bảo vệ mắt của mình, nhất là với người cao tuổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục