Giảm nguy cơ tử vong với phương pháp nút mạch cầm máu điều trị chấn thương nội tạng

Linh Chi, icon
10:15 ngày 16/05/2019

VTV.vn - Bảo tồn tối đa cơ quan nội tạng bị tổn thương, giúp bệnh nhân tránh được cuộc đại phẫu với nhiều biến chứng nguy hiểm... là những ưu điểm nổi trội của phương pháp này.

Bệnh nhân tai nạn giao thông bị chấn thương lách được can thiệp nút mạch.

Khi bị tổn thương động mạch hoặc các tạng như gan, thận, lách…do tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động, sinh hoạt, bệnh nhân sẽ gặp phải nguy cơ mất máu. Kéo theo đó là một loạt các biến chứng nghiêm trọng như: rối loạn hoạt động các chức năng sống của cơ thể, rối loạn đông máu, suy phủ tạng và dẫn đến tử vong.

Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ cấp cứu để xử lý các tổn thương. Tuy nhiên, với phương pháp nút mạch cầm máu trong chấn thương, bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu cắt gan, thận, lách…nặng nề kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ… Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn an toàn, hiệu quả, được ứng dụng sâu rộng trên thế giới và một số bệnh viện tuyến Trung ương.

Đơn cử: Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa nút mạch cấp cứu thành công cho bệnh nhân L.V.H (24 tuổi, trú tại Quảng Ninh), bị chấn thương lách độ IV do tai nạn giao thông. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mạch đập nhanh, da niêm mạc nhợt, chảy máu vùng đầu, bụng đau, chướng căng.

Các xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị đa chấn thương: chấn thương sọ não, chấn thương bụng kín, vỡ lách độ IV, máu chảy tràn vùng ổ bụng khoảng 2 lít. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Can thiệp tim mạch và tiến hành kĩ thuật nút mạch cầm máu xử trí tổn thương lách trên hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA.

Vị trí động mạch tổn thương và hướng đi của thiết bị can thiệp dẫn hóa chất gây tắc mạch được hiển thị rõ nét, chính xác trên hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Sau khi tiến hành bơm chất gây tắc, người bệnh được chụp lại, kiểm tra để thấy không còn chảy máu ở vùng tổn thương.

Sau can thiệp 1 ngày, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, có thể giao tiếp tốt, vùng lách chấn thương được kiểm soát tốt, không xuất hiện tình trạng xuất huyết sau can thiệp. Bệnh nhân được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị hồi phục sức khỏe.

Theo bác sĩ Lê Tiến Hưng, Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, kỹ thuật nút mạch cấp cứu chấn thương nội tạng được thực hiện thành công sẽ cầm máu tức thì. Bệnh nhân bảo tồn được cơ quan nội tạng, không phải trải qua phẫu thuật cắt lách với nhiều nguy cơ biến chứng trong và sau phẫu thuật. Vị trí luồn thiết bị can thiệp kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 0,5mm, không chảy máu, không để lại sẹo.

Đặc biệt, sau can thiệp nút mạch 24 tiếng, bệnh nhân có thể xuất viện. Quá trình tiến hành kỹ thuật chỉ trong khoảng 30 - 45 phút, không gây đau đớn, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo. Kỹ thuật nút mạch còn được áp dụng hiệu quả cho rất nhiều các bệnh lý của các cơ quan bộ phận khác nhau như: các bệnh lý về mạch máu do chấn thương, không do chấn thương, các chấn thương vỡ gan, lách, thận… u gan, ho ra máu, u xơ tử cung, u tiền liệt tuyến…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục