Giun chui túi mật ở trẻ em có nguy hiểm?

Linh Chi, icon
08:08 ngày 18/03/2019

VTV.vn - Hiện tượng giun chui ống mật sẽ dẫn đến viêm nhiễm đường mật, áp xe gan, sỏi ống mật, sỏi trong gan, nghiêm trọng hơn nữa là phì đại - xơ hóa gan.

Hình minh họa.

Ngày 17/3, kíp trực Bệnh viện đa khoa Mộc Châu (Sơn La) tiếp nhận bé gái 9 tuổi, dân tộc H'mong trong tình trạng đau bụng dữ dội, đau bụng vùng thượng vị, lệch sang phải...

Theo người nhà kể lại: trẻ đau quằn quại, thường phải người nhà bế vác lên vai và áp bụng vào vai người bế để giảm cơn đau.

Ngay sau khi tiếp nhận, qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhi đau vùng dưới sườn phải và điểm dưới mũi ức cách 1,5 - 2cm về phía phải và dưới mũi ức. Kết quả siêu âm phát hiện: có hình ảnh giun chui lên túi mật và cả trong lòng ống tiêu hóa. Các bác sĩ đã kết hợp kết quả siêu âm định hướng điều trị cho bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, biến chứng áp xe gan trong bệnh lý giun chui ống mật rất nguy hiểm bởi nó có thể gây tử vong nhanh cho bệnh nhân. Khi áp xe gan vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc toàn thể. Áp xe gan vỡ vào màng phổi gây tràn dịch màng phổi. Người bệnh khó thở, chọc dò hút ra mủ thối, có khi có trứng giun; nuôi cấy có vi trùng đường ruột. Áp xe gan vỡ vào màng ngoài tim khiến trẻ tử vong nhanh…

Hiện tượng bệnh lý này rất nguy hiểm và để lại hậu quả lâu dài. Vì vậy, việc cần thiết là phải phòng ngừa việc nhiễm giun và giun chui ống mật.

Các bác sĩ khuyến cáo: để phòng tránh giun chui ống mật, mọi trẻ em cần đi khám chuyên khoa nhi để được xét nghiệm phân tìm trứng giun và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tự mua thuốc điều trị (tẩy giun) cho trẻ em đề phòng dùng không đúng chỉ định, dùng sai thuốc, dùng không đúng liều lượng... Đặc biệt, nếu dùng cây, quả dân gian thì lại càng phải hết sức thận trọng. Thường xuyên vệ sinh và rửa tay đúng cách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục