Trẻ đau bụng thoáng qua khi ăn uống, đi khám phát hiện nang ống mật

Linh Chi, icon
08:01 ngày 18/12/2018

VTV.vn - Bệnh viện Quốc tế Vinh vừa phẫu thuật nội soi thành công cắt nang ống mật chủ - túi mật và nối mật ruột cho bé gái 10 tuổi ở Hoàng Mai, Nghệ An.

Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật.

Trước đó, bé thường xuyên đau bụng mơ hồ, thoáng qua khi ăn uống, mặc dù đã đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân.

Bé L.T.T.T., vào viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị, kèm theo buồn nôn. Sau khi được các bác sĩ thăm khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm, các bác sĩ xác định: bệnh nhi bị bệnh nang ống mật chủ kích thước 74 x 46 mm (type IC).

Sau khi hội chẩn, bệnh nhi đã được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt nang ống mật chủ - túi mật và phục hồi lưu thông đường mật bằng phương pháp nối mật ruột. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 giờ và kết thúc thành công.

Trẻ đau bụng thoáng qua khi ăn uống, đi khám phát hiện nang ống mật - Ảnh 1.

Nang ống mật chủ - túi mật của bệnh nhi sau cắt.

Nang ống mật chủ là tình trạng giãn bẩm sinh dạng hình cầu hoặc hình thoi của đường mật trong gan, ngoài gan hoặc cả 2, mà không kèm sự tắc nghẽn nguyên phát của ống mật chủ. Nang ống mật chủ phổ biến ở châu Á hơn so với các nước phương Tây.

Bệnh thường khó phát hiện vì triệu chứng mơ hồ, gia đình cần cảnh giác nếu bé xuất hiện các cơn đau bụng, kèm theo nôn, có thể có sốt hoặc vàng da. Nang ống mật chủ cần phẫu thuật sớm ở bất kỳ lứa tuổi nào vì những biến chứng nguy hiểm của nó.

Theo các bác sĩ, bệnh nang ống mật chủ là bệnh ít gặp ở trẻ em với tỷ lệ 1/100.000 – 1/1.500.000 và nữ nhiều hơn nam. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến sỏi mật, tắc mật và nguy hiểm hơn có thể dẫn đến xơ gan, biến chứng như viêm tụy cấp, viêm đường mật cấp gây chảy máu đường mật, vỡ nang gây viêm phúc mạc, ung thư đường mật …

Khi trẻ có biểu hiện đau bụng nhiều, đau bụng vùng trên rốn, đau không rõ nguyên nhân, bố mẹ không nên chủ quan mà đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Bên cạnh đó, các trường hợp nối mật ruột cần được theo dõi định kỳ: 1,3, 6 tháng sau mổ. Sau đó, mỗi năm 1 lần đến khi trẻ 15 tuổi, đồng thời phải xổ giun định kỳ 6 tháng/lần.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục