Glôcôm - bệnh khó nhận diện, dễ mù lòa

Linh Chi, icon
07:59 ngày 20/03/2019

VTV.vn - Bệnh đặc biệt dễ bộc phát ở những người trên 40 tuổi, những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp và những người có người thân mắc bệnh glôcôm, viễn thị...

Hình minh họa.

Theo các bác sĩ Khoa Mắt, Bệnh viện Quốc tế City, bệnh glôcôm (còn gọi là cườm nước hay thiên đầu thống) là tên gọi dùng để chỉ một nhóm bệnh có những đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt, lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc hiệu. glôcôm được xem là một căn bệnh nguy hiểm làm giảm hoặc mất thị lực và có thể gây mù lòa vĩnh viễn.

Glôcôm là căn bệnh về mắt đứng thứ hai (sau bệnh đục thể thủy tinh) là nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng tránh được ở hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bệnh đặc biệt dễ bộc phát ở những người trên 40 tuổi, những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp và những người có người thân mắc bệnh glôcôm, viễn thị, mắt có tiền căn chấn thương hoặc phẫu thuật mắt… Nếu nằm trong nhóm đối tượng này, bạn cần theo dõi nhãn áp thường xuyên để phòng bệnh, tốt nhất nên đi khám mỗi năm một lần. Đối với những người có bệnh tiểu đường, cao huyết áp thì nên kiểm tra mắt 6 tháng một lần. Đặc biệt, người bệnh cần tránh tình trạng tự ý mua thuốc nhỏ mắt mỗi khi gặp vấn đề...

Glôcôm là căn bệnh nguy hiểm nhưng rất phổ biến về mắt. Theo ước tính, hiện có hơn 4,5 triệu người mắc bệnh và con số này tiếp tục tăng lên đến 11.2 triệu trong năm 2020. Glôcôm nguy hiểm cũng bởi nó diễn tiến thầm lặng, được ví như "kẻ trộm thị lực âm thầm" nên ngay cả ở các quốc gia phát triển, có đến 50% người mắc bệnh không phát hiện ra bệnh ở giai đoạn đầu tiên. Và con số này lên đến 90% tại các nước đang phát triển như Việt Nam.

Nguyên nhân gây glôcôm

Bệnh glôcôm không có nguyên nhân rõ ràng nhưng có liên quan đến sự tăng áp lực trong mắt và/hoặc giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác.

Điều này có thể do bẩm sinh hoặc do tổn thương bên trong mắt. Tăng áp suất thủy dịch có thể dẫn tới bệnh glôcôm. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị glôcôm khi mắc chứng tăng áp suất thủy dịch. Một số nguyên nhân khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh glôcôm bao gồm:

- Tuổi tác: khoảng 10 người trên 75 tuổi có 1 người bị mắc bệnh glôcôm.

- Dân tộc: những người có nguồn gốc châu Phi, Caribbean hoặc châu Á có nguy cơ cao bị bệnh glôcôm hơn những người ở nơi khác.

- Di truyền.

Triệu chứng bệnh

Triệu chứng là những trải nghiệm của người bệnh được họ tự mô tả, chẳng hạn như đau, cộm, xốn, trong khi một dấu hiệu là những đặc điểm mà người khác có thể nhận thấy, chẳng hạn như nổi đỏ hoặc sưng. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh glôcôm góc mở tiên phát và glôcôm góc đóng cấp tính khá khác nhau.

Các dấu hiệu và triệu chứng của glôcôm góc mở tiên phát:

- Tầm nhìn ngoại vi thu hẹp dần. Hầu hết các trường hợp bị cả hai mắt.

- Trong giai đoạn muộn của bệnh, bệnh nhân có thị trường hình ống.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh glôcôm góc đóng:

- Đau nhức mắt, thường dữ dội.

- Nhìn mờ.

- Nhức mắt thường đi kèm theo buồn nôn và đôi khi nôn mửa.

- Xuất hiện quầng hào quang quanh nguồn sáng.

- Mắt đỏ.

- Thị lực giảm đột ngột, đặc biệt trong ánh sáng yếu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục