Hà Nội: 93% đối tượng mắc sởi chưa tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ

Tuấn Bảo, icon
09:03 ngày 24/02/2019

VTV.vn - Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2019, một số dịch bệnh có vắc xin phòng như sởi, ho gà có xu hướng tăng, đặc biệt là bệnh sởi.

Tình hình bệnh sởi sau tết tại Hà Nội có xu hướng gia tăng với 192 trường hợp mắc (cùng kỳ năm 2018 chỉ ghi nhận 19 trường hợp). Bệnh nhân phân bố rải rác tại 100/584 xã, phường của 25/30 quận, huyện. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi và lứa tuổi trên 5 tuổi (146 trường hợp chiếm 76%); 93% số đối tượng mắc bệnh do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Nguyên nhân dịch sởi xuất hiện và bùng phát bởi khoảng 4 - 5năm dịch bệnh sởi có thể xảy ra do hàng năm số trẻ không tiêm hoặc không tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi sẽ tích lũy tạo thành một khoảng trống miễn dịch làm virus sởi có điều kiện thuận lợi lan truyền trong cộng đồng. Lúc đó người lớn chưa mắc sởi hoặc tiêm chủng không đầy đủ sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh sởi và dịch sởi sẽ bùng phát.

Năm 2014 là năm có dịch sởi gần nhất trên thế giới, tại Việt Nam và Hà Nội nên dự báo năm 2018, 2019 dịch sởi có thể quay trở lại. Mặt khác thời tiết hiện nay là mùa đông xuân (mưa nhiều, độ ẩm cao) rất thuận lợi cho vi rút gây bệnh lây qua đường hô hấp nói chung và bệnh sởi nói riêng tồn tại và phát triển.

Để chủ động phòng bệnh sởi người dân cần chủ động thực hiện một số biện pháp phòng bệnh như sau:

1. Chủ động thực hiện tiêm chủng vaccine, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi:

- Đưa trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

- Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.

- Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần được tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi.

2. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày.

3. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa ...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng.

4. Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc.

5. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.

6. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần cho trẻ nghỉ học, sớm cách ly với mọi người xung quanh và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

7. Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ chơi đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày.

8. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch.

Ngoài ra người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân (đặc biệt là thường xuyên rửa tay với xà phòng), vệ sinh môi trường diệt muỗi, diệt bọ gậy để phòng chống các dịch bệnh lưu hành khác như tay chân miệng và sốt xuất huyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục