Hiệu quả điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV

Hoàn Lê, icon
07:30 ngày 05/11/2022

VTV.vn - Kết thúc giai đoạn 1 điều trị bệnh viêm gan C cho người đồng nhiễm HIV, viêm gan C trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, có khoảng 95% bệnh nhân đã được điều trị khỏi.

Một bệnh nhân tái khám tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS (CDC Đồng Nai) sau lộ trình điều trị viêm gan C.

Bệnh nhân phấn khởi vì khỏi bệnh

Anh N.T.Đ. (trú tại phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) là một trong những bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên của tỉnh Đồng Nai tham gia điều trị bệnh viêm gan C theo chương trình phối hợp giữa dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và ngành Y tế Đồng Nai.

Trước ngày 1/4/2021, tải lượng virus viêm gan C của anh Đ. rất cao (ở mức 2,32x10⁶ IU/mL huyết tương, trong khi ngưỡng phát hiện bệnh viêm gan C là 15 IU/mL). Sau 7 tháng điều trị, đến ngày 19/11/2021, kết quả xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C của anh Đ. đã ở dưới mức 15 IU/mL, tức dưới ngưỡng phát hiện.

Hay trường hợp anh L.V.Đ. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đưa vào điều trị bệnh viêm gan C lần đầu vào tháng 4/2021. Đến ngày 28/5/2021, kết quả xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C của anh Đ. đã dưới ngưỡng phát hiện.

Cũng tham gia điều trị bệnh viêm gan C tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS CDC Đồng Nai, anh L.H.P. (ngụ P. Trảng Dài) cho biết: Anh phát hiện bị nhiễm HIV từ tháng 5/2009, nguyên nhân do quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV/AIDS. Sau khi phát hiện bị bệnh, anh P. đã tham gia điều trị bằng thuốc ARV từ đó đến nay.

Tháng 4/2022, sau khi xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C, anh P. bắt đầu điều trị bệnh viêm gan C theo phác đồ điều trị mà bác sĩ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS CDC Đồng Nai đưa ra.

Trong lần khám bệnh gần đây nhất, bác sĩ đã chỉ định anh P. đi xét nghiệm lại tải lượng virus để đánh giá hiệu quả điều trị. Anh P. cho hay, mặc dù chưa có kết quả nhưng anh cảm thấy sức khỏe khá hơn rất nhiều, ăn được, ngủ được, da sáng hơn.

Chuẩn bị triển khai giai đoạn 2

Bác sĩ Nguyễn Văn Quyết, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS CDC Đồng Nai cho biết: Lộ trình điều trị bệnh viêm gan C đối với người nhiễm HIV/AIDS là 12 tuần. Bệnh nhân sẽ uống thuốc hằng ngày trong suốt lộ trình, riêng những trường hợp bị xơ gan thì điều trị trong 24 tuần.

Giai đoạn 1 điều trị bệnh viêm gan C cho người đồng nhiễm HIV, viêm gan C trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ tháng 4/2021, nhưng do dịch bệnh COVID-19 nên ảnh hưởng ít nhiều đến công tác điều trị. Các y, bác sĩ chủ yếu cấp thuốc cho bệnh nhân qua các chốt kiểm soát phòng dịch.

Đến khoảng tháng 3, 4/2022, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, chương trình mới triển khai đồng bộ. Kết quả, trong số 880 bệnh nhân đã đăng ký, có 414 bệnh nhân tham gia điều trị, bao gồm người đồng nhiễm HIV, viêm gan C và người nghiện ma túy đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone có nhiễm viêm gan C.

Trước khi vào điều trị, các bệnh nhân được test nhanh viêm gan C, nếu có kết quả dương tính sẽ hướng dẫn bệnh nhân đi làm xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C và một số xét nghiệm khác như: công thức máu, chức năng gan, siêu âm gan... để đánh giá giai đoạn bệnh. Từ đó xác định thời gian điều trị và hướng điều trị phù hợp.

"Khó khăn lớn nhất với bệnh nhân bị viêm gan C là không có tiền để điều trị vì kinh phí cho một lộ trình điều trị khá cao, khoảng 30 triệu đồng. Do vậy, việc được dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ toàn bộ kinh phí suốt lộ trình điều trị có ý nghĩa rất lớn đối với những bệnh nhân này. Đến ngày 30/8, giai đoạn 1 đã kết thúc. Kết quả đánh giá sơ bộ có khoảng 95% bệnh nhân khỏi bệnh" - bác sĩ Quyết cho hay.

Theo bác sĩ Quyết, trong quá trình điều trị viêm gan C, bệnh nhân HIV vẫn sử dụng thuốc ARV, người nghiện ma túy vẫn sử dụng thuốc methadone bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân cần có ý thức tự giác cao, tránh xa rượu, bia, thuốc lá để tránh bị xơ gan và làm giảm tác dụng của thuốc.

Hiện có 3 yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh viêm gan C là tiêm chích ma túy (sử dụng bơm kim tiêm), quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền qua đường máu. Để phòng ngừa bệnh viêm gan C, trước hết cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân hiểu được các yếu tố nguy cơ, không sử dụng bơm kim tiêm chung, quan hệ tình dục an toàn, truyền máu an toàn. Ngoài ra, cần có chế độ ăn uống ít dầu mỡ, nhiều rau xanh, uống nhiều nước, hạn chế bia rượu.

Để tiếp tục triển khai giai đoạn 2, các phòng khám, đơn vị điều trị HIV/AIDS và các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone đang cho bệnh nhân đăng ký để thực hiện các bước tiếp theo.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 5.000 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có khoảng 1,2 nghìn người đồng nhiễm HIV và viêm gan C. Từ tháng 4/2021, dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ tỉnh Đồng Nai điều trị viêm gan C cho khoảng 880 bệnh nhân đồng nhiễm HIV, viêm gan C.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục