Hút thuốc lá - Thủ phạm của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

P.V, icon
12:00 ngày 14/10/2019

VTV.vn - Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây tử vong và hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu, gây ra khoảng 90 % trường hợp mắc bệnh này.

Hình minh họa.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng bệnh lý ở phổi, với sự giới hạn thông khí không thể hồi phục hoàn toàn. Bệnh gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi, làm bệnh nhân khó thở. Bệnh thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi và những người có tiền sử hút thuốc, giai đoạn nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tập trung đa số ở người cao tuổi.

Nhiều yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bao gồm tiếp xúc kéo dài với các chất ô nhiễm không khí và bụi. Tuy nhiên, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu, gây ra khoảng 90 % trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể dẫn đến suy hô hấp

Phổi, đường hô hấp và túi khí thường đàn hồi. Khi hít vào, chúng căng ra giống như quả bóng chứa đầy không khí. Khi thở ra, chúng xẹp xuống và đẩy không khí ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, ở những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ít luồng không khí đi vào và ra khỏi đường hô hấp do: phổi, đường hô hấp và túi khí mất tính đàn hồi; hoặc vách ngăn giữa các túi khí bị phá hủy; thành của đường dẫn khí dày và sưng lên; hoặc chất nhầy đường hô hấp nhiều hơn bình thường, có thể làm tắc nghẽn đường hô hấp. Những vấn đề này thường được gây ra bởi khí phế thũng hay viêm phế quản mạn tính. Cả hai điều kiện này được gọi tắt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Khí phế thũng xảy ra khi khói thuốc lá hoặc các chất ô nhiễm không khí khác, chẳng hạn như bụi hoặc khói, làm hỏng vách ngăn giữa túi khí theo thời gian. Khi túi khí suy yếu, các vách ngăn vỡ ra, tạo ra một túi khí lớn thay vì nhiều cái nhỏ hơn. Điều này làm khó khăn hơn cho các mao mạch hấp thụ đủ lượng oxy cho cơ thể và để tống xuất hết CO2 ra khỏi cơ thể, làm cho người bệnh dần dần khó thở.

Viêm phế quản mạn tính xảy ra khi đường hô hấp bị viêm và tạo ra rất nhiều chất nhầy. Chất nhầy (đờm) gây ho và làm khó khăn hơn khi thở. Giống như khí phế thũng, viêm phế quản mạn tính có thể phát triển khi bạn hút thuốc lá thường xuyên hoặc thường xuyên hít phải chất gây ô nhiễm không khí.

Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

- Ho dai dẳng kèm khạc nhiều đờm; khó thở, thở khò khè.

- Tức ngực, đau ngực.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Bạn nên đến phòng cấp cứu ngay nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây: Khó nói chuyện hoặc khó thở; móng tay hoặc môi tím tái; thiếu sự tỉnh táo; nhịp tim rất nhanh; triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngày càng tồi tệ hơn, mặc dù đã điều trị đúng theo hướng dẫn.

Hút thuốc lá - nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Khói thuốc lá, xì gà và hút thuốc lá thụ động (tiếp xúc với khói thuốc lá khi ở gần người đang hút thuốc). Ở Việt Nam, nhiều người (nhất là người cao tuổi) còn có thói quen hút thuốc rê, thuốc lào và nhai thuốc lá kèm ăn trầu.

Khói thuốc lá qua khí quản và cuối cùng vào trong các ống phế quản. Khói độc hại di chuyển vào các tiểu phế quản, trong đó có phế nang, trong phế nang là các mao mạch. Khi bạn hít vào, oxy di chuyển qua các phế nang vào các mao mạch để đi tới cho các phần còn lại của cơ thể. Đồng thời, CO2 được vận chuyển từ các mao mạch vào các phế nang để loại bỏ khỏi cơ thể khi bạn thở ra. Quá trình này được gọi là một sự trao đổi khí.

Độ co giãn của các túi khí cho phép trao đổi này diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, những người thường xuyên hút thuốc lá hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá cuối cùng phát triển tổn thương phổi. Điều này làm cho ít không khí đi vào và ra khỏi đường hô hấp do: sự cứng lại của các túi khí; suy thoái của các vách ngăn giữa túi khí; thành đường hô hấp dày lên và viêm; tăng sản xuất chất nhầy trong đường hô hấp, gây tắc nghẽn khí.

Khói thuốc lá chứa các chất độc hại có ảnh hưởng đến chức năng phổi. Độc tố được hít trực tiếp vào phổi trong thời gian kéo dài có thể dẫn đến kích thích phổi nghiêm trọng, gây ra sự khởi đầu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Việc tiếp xúc với khói thuốc lá vẫn tiếp tục và lâu dài, phổi ngày càng bị tổn thương, dẫn đến tình trạng viêm và suy thoái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục