Phổi tắc nghẽn mạn tính - căn bệnh nguy hiểm khó phát hiện

P.V, icon
09:53 ngày 16/12/2018

VTV.vn - Phổi tắc nghẽn mạn tính hay còn gọi là COPD là bệnh phổ biến và ngày càng gia tăng.

Các bệnh nhân điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Theo Tổ chức Y tế thế giới bệnh được xếp hàng thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong. Các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường giống với các bệnh lý hô hâp khác nên người bệnh hầu như phát hiện bệnh ở giai đoạn đã nặng.

Đơn cử như trường hợp ông Đỗ Cao Sinh (trú tại Yên Bái), cảm thấy khó thở đã lâu nhưng ông vẫn gắng sức. Đến khi nhập viện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Phổi tắc nghẽn mạn tính - căn bệnh nguy hiểm khó phát hiện - Ảnh 1.

Ông Đỗ Cao Sinh phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở giai đoạn tăng nặng.

"Tôi khó thở cách đây đã 2 năm rồi. Trong quá trình lao động thấy trong người mệt mỏi, đi lại không được thoải mái, tự do. Trong người lúc nào nó cũng tức ngực. Đến khi tôi vào viện khám các bác sĩ chẩn đoán bị bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính" - Ông Sinh cho hay.

Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng Khoa Phổi tắc nghẽn mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: "Đây là bệnh rất hay gặp. Tuy nhiên, người bệnh thường chưa được chẩn đoán sớm và chưa quan tâm đến nó. Bởi lẽ các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không đặc hiệu cho bệnh và nó giống với các bệnh hô hấp khác. Bệnh nhân thường có các biểu hiện sớm nhất là ho kéo dài, có thể nhiều tháng, nhiều năm. Thứ hai là khi bệnh đã nặng có biểu hiện sức khỏe giảm - bệnh nhân đi lại hoặc làm việc nặng là nhanh mệt hay khó thở. Mức độ này sẽ tăng dần theo mức độ nặng của bệnh. Thông thường khi có biểu hiện khó thở người bệnh mới đi khám và khi đó bệnh không phải là ở giai đoạn sớm".

Tại Khoa Phổi tắc nghẽn mạn tính, trung bình mỗi ngày tiếp nhận và điều trị cho hàng chục bệnh nhân Trước đây, bệnh thường gặp ở nam giới nhưng theo thống kê hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng.

Phổi tắc nghẽn mạn tính - căn bệnh nguy hiểm khó phát hiện - Ảnh 2.

Bà Hà Thị Quyến hơn 11 năm sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bà Hà Thị Quyến, (66 tuổi, trú tại Thanh Thủy, Phú Thọ) mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã hơn 11 năm nay. Số lần nhập viện để điều trị các đợt cấp nhiều đến nỗi cô không thể nhớ nổi. Do bệnh tiến triển nặng dần theo thời gian, nên giờ đây đi đâu cô cũng phải mang theo chiếc máy thở bên mình.

Bà Quyến chia sẻ: "Tôi điều trị năm nay đã là 11 năm ở Bệnh viện Phổi trung ương. Bây giờ bệnh càng ngày càng nặng thêm. Trước kia 1 năm đi viện khoảng 2 - 3 lần, bây giờ mỗi năm đi 5 - 6 lần. Bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe không đi lại được. Bản thân không tự lo mọi việc được. Cơm không nấu được mà ăn...".

Khoảng 90% các ca mắc phổi tắc nghẽn mạn tính là do hút thuốc lá. Còn lại là do các các yếu tố nguy cơ khác như: môi trường làm việc nhiều khói bụi, di truyền, tuổi cao... Phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp làm chậm tiến trình bệnh, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Theo bác sĩ Vũ Văn Thành: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nguyên nhân chính là khói bụi, và đóng vai trò chủ yếu là khói thuốc lá. Kể cả hút thuốc lá chủ động hay hút thuốc lá thụ động. Chính vì thế để phòng tránh phải tránh các yếu tố nguy cơ.Nếu người bệnh chưa hút thì không hút còn nếu đã hút rồi thì cố gắng cai thuốc lá. Và bất kể khi nào phát hiện ra bệnh lý cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đối với những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, để quá trình điều trị được hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, bao gồm các biện pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc. Quan trọng nhất, người bệnh cần phải lạc quan, kiên trì, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục