Khám phá các công dụng tuyệt vời từ rau ngót

Nguyễn Liên, icon
07:16 ngày 16/10/2018

VTV.vn - Rau ngót có rất nhiều công dụng trong điều trị bệnh, đặc biệt là chứng bệnh sót rau của phụ nữ sau phá thai hay một số bệnh của trẻ nhỏ như tưa lưỡi, đái dầm...

Rau ngót (Hình minh họa: pinterest.com)

Rau ngót là loại rau quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt. Canh rau ngót nấu sườn, nấu thịt… là những món ăn vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng, được rất nhiều người yêu thích. Theo các chuyên gia, trong rau ngót có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao với protein, chất béo, cacbohydrat, chất xơ, ngoài ra còn có các loại vitamin như vitamin A, B1, B2, C và các chất canxi, sắt, photpho. Bởi vậy, những người sức khỏe yếu, mới ốm dậy hay phụ nữ mới sinh rất thường xuyên sử dụng rau ngót trong thực đơn của mình.

Ngoài vai trò là một thức rau bổ dưỡng, rau ngót còn là vị thuốc rất hữu ích với công dụng chữa rất nhiều loại bệnh. Cuốn sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" (NXB Khoa học và Kỹ thuật) – nơi tập hợp các công trình nghiên cứu của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược liệu - Dược Cổ truyền Việt Nam đã tổng hợp rất nhiều công dụng của rau ngót, cả trong y học dân gian trong nước và nước ngoài

Theo đó, rau ngót có vị ngọt, là một loại rau ăn rất bổ và mát. Ở Việt Nam, theo kinh nghiệm dân gian, lá rau ngót được xem là vị thuốc rất hữu ích với phụ nữ sau sinh, sau nạo thai, sảy thai và với trẻ nhỏ. Có thể kể đến một số công dụng hữu ích của rau ngót như:

- Chữa sót rau (một trong những biến chứng sau khi phá thai, khi sót rau thường có biểu hiện ra máu kéo dài và rất dễ viêm nhiễm): Lá rau ngót tươi 40g rửa sạch, giã nát, thêm nước đun sôi để nguội, gạn lấy 100ml nước chia làm 2 lần, uống cách nhau 10 phút. Sau khoảng từ 15 đến 30 phút, phần rau còn sót lại sẽ bị tông ra. Một công thức khác là dùng lá rau ngót tươi, giã nát, đắp vào hai gan bàn chân.

- Chữa tưa lưỡi (bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, khiến trẻ đau rát khi bú và nuốt thức ăn): lá rau ngót tươi 5 đến 10g, giã nát, vắt lấy nước, thấm vào bông hay vải gạc rồi đánh lên lưỡi, lợi và vòm miệng của trẻ. Chỉ sau khoảng 2 lần, trẻ có thể lại bú được.

- Chữa đái dầm: lá rau ngót tươi 50g rửa sạch, vò vào nước đã đun sôi để nguội, mỗi lần uống 1 bát. Uống vài lần sẽ có kết quả.

Ngoài ra, rau ngót còn là bài thuốc chữa rắn độc cắn rất hữu hiệu với công thức rau ngót 30g, nõn cây dứa ăn quả 20g, rệp từ 7 đến 9 con. Tất cả giã nát, thêm nước. Gạn lấy nước uống, phần bã đắp vào vết cắn.

Ở quốc gia Nam Á Ấn Độ, rau ngót được coi là một cây rau đa sinh tố (multivitamin green). Nước sắc rễ rau ngót chữa sốt, tiểu tiện khó, chẹt bàng quang. Lá và rễ tươi giã nát, đắp ngoài lại được người dân ở đây sử dụng để chữa chứng viêm loét mũi.

Lưu ý: theo một số chuyên gia Dược học cổ truyền, rau ngót được cảnh cáo chỉ nên dùng vừa phải với phụ nữ đang mang thai bởi trong loại rau này có chứa chất có thể làm tăng co bóp tử cung, nếu dùng quá nhiều có thể gây co thắt tử cung, dễ dẫn đến sảy thai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục