Các bài thuốc y học cổ truyền có kinh giới

Nguyễn Liên, icon
08:09 ngày 08/10/2018

VTV.vn - Có tới hàng chục bài thuốc trị bệnh khác nhau có thể thực hiện với cây rau gia vị quen thuộc kinh giới.

Kinh giới (Hình minh họa: wikipedia.org)

Kinh giới là cây rau gia vị rất phổ biến ở Việt Nam. Rau kinh giới là món ăn kèm không thể thiếu với nhiều người khi ăn các món bún riêu, bún ốc, bún đậu mắm tôm, thịt luộc hay phở cuốn,… Bên cạnh đó, kinh giới cũng là cây thuốc được trồng phổ biến ở khắp nơi bởi sự hữu ích của nó trong điều trị bệnh.

Theo cuốn sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (NXB Khoa học kỹ thuật), có rất nhiều bài thuốc y học cổ truyền có kinh giới, từ những bài thuốc trị của các loại bệnh thường gặp như cảm lạnh, nhức đầu, mất tiếng, chảy máu cam tới cả những loại bệnh hiếm gặp hơn như chàm, trực tràng lở loét, đại tiện ra máu, ban chẩn,…

Theo đó, kinh giới có vị cay, đắng, mùi thơm, tính ấm, vào 2 kinh: phế (phổi) và can (gan), có tác dụng làm ra mồ hôi, thanh nhiệt, tán hàn (hết lạnh), khu phong (loại trừ gió), chỉ ngứa (làm giảm ngứa), tán ứ (làm tan ứ), phá kết. Khi sao đen, kinh giới có tác dụng chỉ huyết (cầm máu).

Trong y học cổ truyền, kinh giới được dùng chữa cảm mạo, sốt, cúm, nhức đầu, hoa mắt, phong thấp, đau xương, đau mình, viêm họng, nôn mửa, sởi, lở ngứa, mụn nhọt. Kinh giới sao đen có thể chữa băng huyết, rong huyết, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu. Kinh giới còn dùng để chữa trúng phong, hàm răng cắn chặt, tay chân cứng đờ ở phụ nữ sau khi đẻ với liều dùng là từ 6 đến 16g dược liệu khô dưới dạng thuốc sắc, hãm hoặc bột. Ở Nhật Bản, tinh dầu kinh giới còn được dùng làm thuốc hạ nhiệt và lợi tiều.

Lưu ý, theo các chuyên gia, có một số trường hợp không nên dùng kinh giới là những người tự ra mồ hôi nhiều.

Các bài thuốc y học cổ truyền có kinh giới - Ảnh 1.

Hoa kinh giới (Hình minh họa: wikipedia.org)

Các bài thuốc có kinh giới:

- Chữa cảm lạnh, nhức đầu, chảy nước mũi: Hoa kinh giới 4g, bạch chỉ 4g tán bột, uống mỗi lần 8g với nước nóng để ra mồ hôi dâm dấp.

- Phòng và trị bệnh phong ôn phát nóng, đau mình, nhức đầu: Kinh giới 12g, sắn dây 24g, sắc uống.

- Chữa trúng phong cấm khẩu: Uống nước sắc kinh giới hòa với nước cốt gừng, nước cốt măng tre non đã hơ lửa và rượu, phần đều bằng nhau.

- Chữa chóng mặt và trúng phong mình cứng, miệng câm, mắt trợn, tay chân đờ duỗi, thổ tả nguy cấp: Hoa kinh giới tán bột, mỗi lần uống 8g với đồng tiện, nếu là trúng phong thì uống với rượu.

- Chữa đại tiện ra máu: Kinh giới sao tán nhỏ 8g uống với nước cơm.

- Chữa lở sâu vào xương, tiểu buốt, ra mủ: Kinh giới tươi 120g, khúc khắc tươi 60g, kim cang tươi 40g, rung rúc tươi 40g, bồ cu vẽ tươi 40g, tầm gửi cây dâu tươi 40g, rễ cà pháo tươi 20g, mộc thông 12g, đỗ trọng 12g, kim ngân hoa 12g, phòng phong 8g, cam thảo 4g, xạ can 4g, lá táo 4g. Tất cả dược liệu sắc với 3 bát nước tới khi còn 1 bát, mỗi ngày uống làm 2 lần.

- Chữa trĩ (5 bài thuốc):

  + Hoa kinh giới, hoàng bá, ngũ bội tử mỗi vị 12g, phèn phi 4g, sắc lấy từ 300 đến 400ml nước, ngâm hậu môn hàng ngày.

  + Kinh giới, hoa hòe, chỉ xác, ngải cứu mỗi vị lượng bằng nhau cho vào nước nấu sau đó thêm phèn chua, trước xông, sau rửa.

  + Kinh giới sao đen, hoa hòe sao đen, cỏ nhọ nồi sao, trắc bá diệp sao mỗi vị 16g; sinh địa, huyền sâm mỗi vị 12g, sắc uống ngày một thang.

  + Kinh giới sao đen 12g, đảng sâm 16g, hoài sơn 16g cùng với bạch truật, biển đậu, hà thủ ô, kê huyết đằng mỗi vị 12g, hoa hòe sao đen 8g, huyết chi 6g. Tất cả sắc uống, ngày một thang.

  + Kinh giới sao đen 12g, đảng sâm 16g; hoàng kì, bạch truật, sài hồ mỗi vị 12g; đương quy, thăng ma, địa du sao đen, hoa hòe sao đen mỗi vị 8g cùng trần bì 6g và cam thảo 4g. Tất cả sắc uống, ngày một thang.

- Chữa cảm sốt, cúm (7 bài thuốc):

  + Kinh giới, thanh hao, kim ngân mỗi vị 80g; địa liền, cà gai, tía tô mỗi vị 40g cùng 20g gừng. Tất cả tán bột, sắc uống với liều từ 16 đến 20g một ngày.

  + Kinh giới, thạch cao, bạc hà mỗi vị 60g, phèn chua phi 30g, phác tiêu 15g. Tất cả tán bột, ngày uống từ 4 đến 8g, chia làm 2 lần.

  + Kinh giới tươi 50g, gừng sống 10g giã cùng giã nát, vắt lấy nước uống và dùng bã đánh dọc sống lưng.

  + Kinh giới (sao hơi vàng 20g), tía tô 10g, sắc với 300ml nước đến còn 150ml. Uống nóng kết hợp đắp chăn kín cho ra mồ hôi.

  + Hoa kinh giới, tía tô, hương nhu, ngải cứu, hoắc hương các vị bằng nhau sắc nhiều lần, cô thành cao đặc, sau đó viên bằng hạt ngô. Uống cùng nước lá tre (liều từ 7 đến 8 viên với người lớn và từ 2 đến 4 viên với trẻ nhỏ). Bài thuốc này cũng có thể dùng chữa lỵ nếu chiêu thuốc với nước sắc cây mơ lông.

  + Kinh giới, sả, tía tô, bạc hà, lá bưởi, mỗi thứ một nắm đun sôi, xông từ 5 đến 10 phút.

  + Kinh giới, lá tre, cúc tần, bạc hà, tía tô, cát căn đều 20g, cúc hoa 5g, địa liền 5g, làm thành thuốc bột hoặc viên, ngày uống từ 2 đến 3 lần, mỗi lần từ 4 đến 6g.

Các bài thuốc y học cổ truyền có kinh giới - Ảnh 2.

Tía tô, cây thuốc hay được kết hợp cùng kinh giới trong các bài thuốc chữa cảm sốt, cúm (Hình minh họa: naturescapesofbeaufort.com)

- Chữa chảy máu cam, băng huyết: Hoa kinh giới sao đen 15g, nước 200ml sắc tới khi còn 100ml. Uống từ 2 đến 3 lần trong ngày.

- Chữa trẻ lên sởi và chứng lở ngứa: Kinh giới và kim ngân (cả hoa, lá, cành) mỗi vị từ 15 đến 20g, sắc uống.

- Chữa hậu môn, trực tràng lở loét, đại tiện ra máu: Kinh giới là lá trắc bá (sao sém) mỗi vị từ 15 đến 20g, sắc uống. Kết hợp ngâm bên ngoài với nước bồ kết.

- Chữa rốn trẻ sơ sinh bị ướt không khô: Kinh giới nấu nước rửa.

- Chữa ban chẩn (Ban là những hình to thành mảng, sắc đỏ hoặc tím, không nổi cao lên mặt da, Chẩn là những hình nhỏ như hạt tấm, sắc hồng hoặc tím, nổi cao trên mặt da): Kinh giới và lá dâu mỗi vị 6g, lá bạc hà, kim ngân, sài đất mỗi vị 4g. Tất cả sắc uống, ngày một thang.

- Chữa mất tiếng: Kinh giới, tang diệp, tang bạch bì, địa cốt bì, mỗi vị 12g, tử tô, bán hạ chế mỗi vị 8g cùng trần bì 6g. Sắc uống, mỗi ngày một thang.

- Chữa chàm: Lá kinh giới, lá vối tươi cho vào nước đun sôi để rửa vết loét. Sau đó, dùng bột mỡ trăn kết hợp cùng hoàng liên, hồng đơn, hồng hoa, chu sa, mỗi vị 4g để làm thành thuốc mỡ bôi vào chỗ chàm.

- Chữa viêm da thần kinh thể cấp tính: Kinh giới 12g, sinh địa, ý dĩ, kim ngân mỗi vị 16g, phòng phong, kê huyết đằng, cây cứt lợn, cỏ nhọ nồi, ké đầu ngựa mỗi vị 12g. Sắc uống với liều lượng ngày một thang.

- Chữa viêm da thần kinh thể mãn tính: Kinh giới 16g, kê huyết đằng, đỗ đen sao, cây cứt lợn, cam thảo nam, sa sâm, kỷ tử mỗi vị 12g kết hợp cùng 8g cương tằm và 4g thuyền thoái. Sắc uống, mỗi ngày một thang.

- Chữa bệnh tổ đỉa (dạng bệnh viêm da, là một thể đặc biệt của bệnh chàm): Kinh giới, sinh địa mỗi vị 16g kết hợp cùng đương quy, xuyên khung, bạch thược, liên kiều, hoàng bá, thương truật, mỗi vị 12g. Sắc uống với liều một thang một ngày.

- Chữa viêm màng tiếp hợp cấp (triệu chứng là mắt đỏ, sưng, đau, ngứa, có cảm giác cộm, kèm theo sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều gỉ mắt. Trường hợp nặng có thể có biến chứng ở giác mạc): Kinh giới 12g, kim ngân hoa, lá dâu mỗi vị 16g, chi tử, chút chít, cúc hoa mỗi vị 12g cùng hoàng đằng 8g, bạc hà 6g. Sắc uống, ngày một thang.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục