Kháng thể chống virus SARS-CoV-2 không tồn tại lâu trong cơ thể

Nhật Anh, icon
08:35 ngày 25/06/2020

VTV.vn - Các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố một phát hiện đáng lưu tâm: Kháng thể chống virus SARS-CoV-2 không tồn tại lâu trong máu người bệnh.

Hình: CGTN

Theo nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Nature Medicine, nhóm khoa học Trung Quốc phát hiện những người bị nhiễm COVID-19 đã nhanh chóng phát triển các kháng thể, nhưng chúng chỉ tồn tại tối đa 3 tuần và sau đó cũng giảm đi nhanh chóng theo thời gian.

Chỉ 8 tuần sau khi hồi phục sau mắc COVID-19, 40% người không có triệu chứng thấy kháng thể của họ giảm xuống mức không thể phát hiện. Và trong khoảng thời gian này, 13% số người có triệu chứng COVID-19 cũng bị giảm các kháng thể trong máu của họ xuống mức không thể phát hiện. Bên cạnh đó, bệnh nhân không triệu chứng có kháng thể ít hơn người phát ra triệu chứng.

Kết quả này tương tự một nghiên cứu từng được một nhóm khoa học Mỹ và Trung Quốc đăng trên trang medRxiv.org. Xét nghiệm 23.000 mẫu máu của các y bác sĩ ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), với ít nhất 25% đã từng mắc COVID-19, cho thấy: chỉ 4% mẫu phát hiện có kháng thể. Hơn 10% bệnh nhân thậm chí còn mất đi kháng thể bảo vệ chỉ trong vòng một tháng sau khi nhiễm virus.

Điều này là chưa từng có tiền lệ. Trong trường hợp mắc Hội chứng viêm hô hấp cấp nặng (SARS) trước đây, một số bệnh nhân có thể giữ kháng thể IgG tới12 năm sau.

Nếu các kết quả trên là chính xác, có một số hệ quả mang ảnh hưởng lớn đối với công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thứ nhất, huyết tương của người khỏi bệnh sẽ không phù hợp để dùng chữa cho bệnh nhân sau 3 tháng. Thứ hai, xét nghiệm kháng thể đại trà để đánh giá quy mô dịch bệnh hay mức độ "miễn dịch cộng đồng" đạt được sẽ không khả thi. Điều này cũng dẫn đến lo ngại khác, như việc kháng thể không tồn tại lâu có dẫn tới nguy cơ tái nhiễm ở bệnh nhân COIVD-19 hay không?

Tờ New York Times dẫn ý kiến một số chuyên gia Mỹ cho rằng mất kháng thể không hẳn là dấu hiệu cho thấy một người có thể tái nhiễm COVID-19 chỉ sau vài tháng. Lý do là hệ thống miễn dịch có cơ chế lưu giữ ký ức về các loại virus từng tấn công. Vấn đề này có lẽ cần chờ thêm nhiều nghiên cứu sâu khác, bởi nó còn liên quan đến hiệu quả của các loại vaccine đang phát triển.

Sự suy giảm nhanh chóng các kháng thể trong máu có tác dụng không tốt trong việc tìm ra vaccine chống COVID-19. Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ đã lưu ý rằng: Nếu cơ thể không có khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch lâu dài để loại bỏ virus, thì có khả năng vaccine sẽ không thể có hiệu quả tương tự, Trong trường hợp này, rất có thể con người cần phải tiêm một loại vaccine COVID-19 mới mỗi năm, giống như chúng ta cần một loại vaccine cúm mới mỗi năm.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là nghiên cứu diện hẹp dựa trên kết quả của một nhóm chỉ có 37 người có triệu chứng và 37 người không có triệu chứng. Cũng cần lưu ý rằng xét nghiệm kháng thể có thể không chính xác và một số nghiên cứu đã hy vọng rằng ngay cả mức kháng thể thấp vẫn có thể ngừng tái nhiễm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục