Lý do phụ nữ trưởng thành vẫn bị mụn trứng cá

Linh Chi, icon
11:43 ngày 05/08/2019

VTV.vn - Mụn trứng cá là một tình trạng bệnh lý của đơn vị nang lông tuyến bã thường gặp trong giai đoạn thanh thiếu niên, song vẫn còn 20 - 40% người trưởng thành bị mụn.

Hình minh họa.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM, thông thường, mụn trứng cá cải thiện dần sau năm 20 tuổi. Đáng lưu ý mụn trứng cá ở nhóm phụ nữ trên 25 tuổi ngày càng nhiều và đang bị bỏ quên.

Bệnh chia làm 2 thể:

- Mụn trứng cá "dai dẳng": xuất hiện từ lúc thanh thiếu niên và tiếp tục đến giai đoạn trưởng thành. Đây là dạng thường gặp nhất, chiếm đến 80% trường hợp.

- Mụn trứng cá "khởi phát muộn": bắt đầu sau 25 tuổi.

Nguyên nhân gây bệnh mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành khá phức tạp, có thể kể đến một vài yếu tố như di truyền, stress, tiếp xúc với tia cực tím, béo phì, chế độ ăn, hút thuốc, và sự hiện diện của tình trạng rối loạn nội tiết tố. Đặc trưng của bệnh là các thương tổn viêm, chủ yếu là sẩn viêm và mụn mủ ở vùng đỉnh cằm, đường viền hàm dưới và vùng cổ.

Điều trị lý tưởng phải có sự kết hợp thuốc thoa tại chỗ, thuốc uống và các sản phẩm chăm sóc da hỗ trợ. Hầu hết các trường hợp mụn trứng cá ở người trưởng thành cần phải điều trị toàn thân. Tuy nhiên, đáp ứng với kháng sinh rất chậm và khoảng 80% không có hiệu quả. Những thuốc khác có thể lựa chọn là: liệu pháp hormone, spironolactone, isotretinoin, metformin.

Hiện, tỷ lệ mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành ngày càng tăng và chưa được quan tâm đúng mức. Đáng chú ý hơn nữa, bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhiều hơn so với thanh thiếu niên và thường kháng với những điều trị thông thường. Chính vì vậy, trên những đối tượng này, cần có sự thăm khám kĩ càng, chú ý thực hiện những xét nghiệm cần thiết và lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp để đem lại hiệu quả cao nhất, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc như rối loạn sắc tố hay sẹo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục