Mụn trứng cá - Phân loại để dễ điều trị

Tuấn Bảo, icon
08:29 ngày 13/09/2018

VTV.vn - Mụn trứng cá là một bệnh da rất phổ biến. Hầu hết những ai đã qua tuổi dậy thì đều gặp phải bệnh da này.

Trứng cá do thuốc.

Bệnh hầu như không gây nguy hiểm đến sức khoẻ, nhưng có thể gây trở ngại to lớn về tâm lý do ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sự tự tin và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Việc nhận biết chính xác mức độ mụn sẽ giúp người bệnh có phương pháp điều trị hiệu quả và tránh được những biến chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh trứng cá xuất hiện ở những vị trí có nhiều tuyến bã như mặt, cổ, ngực, lưng, vai, cánh tay và mông. Thương tổn mụn trứng cá có thể là: mụn không viêm (mụn đầu trắng, mụn đầu đen) và mụn viêm (sẩn, mụn mủ, nang, nốt).

Mụn trứng cá - Phân loại để dễ điều trị - Ảnh 1.

Trứng cá bọc.

Mụn đầu đen hình thành khi chất bã nhờn và tế bào chết làm tắc lỗ chân lông, bề mặt da hở làm nhân mụn bị oxy hóa tạo màu đen, nên gọi là mụn đầu đen hay "nhân mở".

Mụn đầu trắng hình thành khi có quá nhiều chất dầu và tế bào chết gây bít tắc lỗ chân lông và không hở ra da, nên còn gọi là "nhân đóng".

Mụn viêm: Vi khuẩn Propionibacteria acnes thường trú trên da, khi gặp điều kiện thuận lợi có nhiều chất bã nhờn sẽ tăng lên rõ rệt. Vi khuẩn nhân lên trong nang lông bị bít tắc làm cho nang lông viêm nhiều với biểu hiện là mụn mủ, sẩn mủ. Khi các tổn thương này lan rộng xuống sẽ hình thành nên các nang, nốt. Đây là những thể mụn nặng nhất và khi lành hay để lại sẹo xấu.

Các loại mụn trứng cá

- Trứng cá thông thường

Là thể thường gặp nhất, xuất hiện ở tuổi dậy thì và những người có hiện tượng tăng tiết bã nhờn như da mỡ, nhờn, trơn bóng, tóc nhờn, lỗ chân lông giãn rộng. Trên nền da nhờn xuất hiện các tổn thương nhân trứng cá (mụn đầu đen, đầu trắng), mụn mủ, sẩn mủ,...

- Trứng cá bọc

Là một thể nặng, tổn thương là các nang, áp xe, đau. Ngoài ra có các sẩn mủ, mụn mủ, sẹo,...

Mụn trứng cá - Phân loại để dễ điều trị - Ảnh 2.

Trứng cá tối cấp.

- Trứng cá tối cấp

Tổn thương xuất hiện cấp tính, lở, loét, đau, sốt cao. Bệnh hay gặp ở trẻ em nam.

- Trứng cá do thuốc

Trứng cá do thuốc được hiểu là những mụn nổi trên da và có mối liên quan đến sử dụng thuốc. Theo chuyên gia, các thuốc dùng toàn thân có thể gây nổi mụn như: glucocorticoid, steroid tăng đồng hóa (anabolic steroid như Durabolin), các vitamin nhóm B, thuốc chống động kinh, lithium, isoniazid, quinidin, azathioprin, cyclosporin, etretinat (thuốc trị bệnh vẩy nến)... Cần phân biệt chẩn đoán mụn trứng cá do thuốc với mụn trứng cá thông thường, viêm nang lông ...

- Trứng cá do mỹ phẩm

Gặp ở những người hay lạm dụng mỹ phẩm không phù hợp.

- Trứng cá do nghề nghiệp

Có thể gặp ở người tiếp xúc lâu dài với các chất như dầu mỡ, bụi than, môi trường làm việc nóng, ẩm thấp,...

- Trứng cá mạch lương

Trứng cá mạch lươn là một trong những thể nặng nhất. Triệu chứng kèm theo rỉ mủ như những hang ngoằn ngoèo nằm dưới da, khi một trong những lỗ đó bị tắc thì chúng sẽ hình thành thêm đường tiếp theo ở bên cạnh.

- Các mức độ trứng cá

Dựa vào những thương tổn trên có thể phân loại bệnh theo 3 mức:

- Nhẹ: ít hơn 20 mụn không viêm, hoặc ít hơn 15 sẩn viêm, hoặc tổng ít hơn 30 mụn.

- Trung bình: có 20-100 mụn không viêm, hoặc 15-50 sẩn viêm, hoặc tổng 30-125 mụn

- Nặng: có 5 nốt/cục/nang, hoặc trên 100 mụn không viêm, hoặc trên 50 sẩn viêm, hoặc trên 125 mụn.

Tuỳ theo mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả, hạn chế tối đa các di chứng sau mụn.

Cùng chuyên mục