Mua kính áp tròng trôi nổi: Coi chừng gặp biến chứng!

Nguyễn Liên, icon
07:43 ngày 07/09/2018

VTV.vn - Các sản phẩm kính áp tròng tràn lan trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện nay đặt ra rất nhiều mối nghi ngại về an toàn sức khỏe cho người sử dụng.

Kính áp tròng bày bán "ngổn ngang" tại các chợ sinh viên.

Tại chợ Xanh, quận Cầu Giấy, Hà Nội, những sạp hàng hóa mĩ phẩm bày đủ các loại mặt hàng, từ đồ trang điểm, đồ chăm sóc da mặt tới các dụng cụ làm đẹp. Trong số đó, không khó để nhận ra một loại mặt hàng "đặc biệt" - đó là kính áp tròng (kính tiếp xúc hay lens mắt). Nói là đặc biệt, bởi lẽ loại mặt hàng được định nghĩa là thiết bị y tế lại được bày bán giữa đường, ngổn ngang giữa những hóa mĩ phẩm đủ thể loại, từ tóc giả, mi giả cho tới phấn, son…, từ những người chủ không chắc có đủ hiểu biết về nó.

Mua kính áp tròng trôi nổi: Coi chừng gặp biến chứng! - Ảnh 1.

Kính áp tròng được bán với giá rất rẻ.

Tiếp cận một sạp hàng ngay đầu khu chợ, người chủ sạp hàng giới thiệu cho phóng viên về một loại kính áp tròng dùng một tháng với đủ mọi màu sắc và giá thành 120 nghìn đồng/cặp. Khi được hỏi về nguồn gốc của loại kính này, người chủ sạp hàng này ấp úng :

-Cái này là hàng liên doanh em ạ.

-Liên doanh với nước nào ạ? (PV)

-Cái này… liên doanh Việt… Hàn.

Không ai có thể chắc chắn là loại hàng này có đúng là hàng liên doanh không, và có đảm bảo an toàn hay không. Nhưng, có một điều chắc chắn là với cách mà người chủ sạp hàng hướng dẫn phóng viên sử dụng sản phẩm này, sức khỏe của người tiêu dùng có lẽ khó có thể "an toàn" được: "Cái này đeo đơn giản mà, em cứ gõ vào mạng ấy. Dùng thì cứ bỏ ra xong lấy cái đấy ấn vào mắt là xong thôi. Tối mình lại tháo ra cho vào lọ này ngâm nước".

Tiếp tục tiếp cận một cơ sở khác cũng bày bán mặt hàng này, phóng viên đến một tiệm chuyên kinh doanh kính mắt trên đường Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nhân viên ở tiệm kính này cho biết: kính áp tròng ở đây đều là hàng của Nhật nhưng có nhà máy sản xuất đặt tại Đài Loan. Khi được hỏi về những lưu ý khi sử dụng kính, nhân viên này hướng dẫn: "Kính này đeo dễ thôi, chỉ có một chú ý là đeo không quá 8 tiếng một ngày, đeo lâu thì sẽ bị sưng hoặc phù nề giác mạc, còn chất lượng cái mắt kính này thì là hàng của Nhật, rất là tốt".

Mua kính áp tròng trôi nổi: Coi chừng gặp biến chứng! - Ảnh 2.

Dễ dàng tim mua kính áp tròng siêu rẻ trên mạng xã hội.

Không chỉ có mặt tại các khu chợ sinh viên, các tiệm kính mắt, kính áp tròng còn được quảng cáo và kinh doanh tràn lan trên mạng xã hội. Những loại kính này đều được quảng cáo là hàng xách tay chính hãng từ Thái, Nhật hay Hàn với giá rất rẻ cho cả mua lẻ và mua sỉ.

Sự tràn lan của kính áp tròng hiện nay đặt ra một nghi ngại rất lớn về an toàn cho sức khỏe cho người sử dụng, bởi không thể xác định chính xác chúng được sản xuất tại đâu, có đảm bảo an toàn khi sử dụng hay không. Hơn thế nữa, loại thiết bị y tế này sẽ tiếp xúc trực tiếp với bề mặt nhãn cầu của người sử dụng nên càng dễ dàng gây nên những biến chứng cho mắt.

Theo bác sĩ Hoàng Cương, Phó Phòng Đào tạo, Bệnh viện Mắt Trung ương, sử dụng các loại kính tiếp xúc (kính áp tròng) rởm có thể gây ra các bệnh nguy hiểm cho con mắt của người dùng. "Người mang kính này sẽ cảm thấy khó chịu ập đến ngay sau khi đeo kính với các triệu chứng như: đỏ mắt và viêm kết mạc; nhìn mờ ít nhiều, có thể mất hoàn toàn thị lực; xước giác mạc gây đau nhức, chảy nước mắt; viêm nhiễm giác mạc gây đau nhức, nhìn mờ; dị ứng với kính gây đỏ mắt, ngứa mắt và khó chịu kéo dài. Đặc biệt là nạn nhân của loại kính này không thể kêu ai, chẳng được ai đền bù vì chúng là hàng trôi nổi, không có xuất xứ, không hợp pháp" - Bác sĩ Cương khuyến cáo.

Vậy làm thế nào để có thể phân biệt được đâu là kính áp tròng trôi nổi, đâu là kính áp tròng đạt chuẩn?

Câu hỏi này có lẽ thật khó để tìm câu trả lời bởi lẽ chính các chuyên gia y tế cũng rất khó để xác định loại kính này có đảm bảo đủ tiêu chuẩn hay không. Thông thường, những loại kính áp tròng được nhập về bệnh viện đều phải có sự kiểm tra và được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên, với những loại mặt hàng trôi nổi trên thị trường hiện nay, đặc biệt là những mặt hàng có nguồn gốc "xách tay" như nhiều cửa hàng vẫn quảng cáo thì rất khó để đảm bảo điều này.

Theo lời khuyên của các chuyên gia nhãn khoa, người tiêu dùng nên lựa chọn kính áp tròng của các thương hiệu uy tín, tuyệt đối không đặt mua kính của những hãng bán hàng trôi nổi trên mạng, không rõ xuất xứ, nhà sản xuất. Đặc biệt, nên lưu ý hạn sử dụng được ghi trên bao bì, không sử dụng các sản phẩm đã quá hạn hoặc bao bì đóng gói, vỏ hộp bị rách, không còn nguyên vẹn.

Cũng theo các chuyên gia nhãn khoa, một điều nữa khiến kính áp tròng trôi nổi trở thành một vấn đề đáng quan ngại là người bán hàng hoàn toàn không thể hướng dẫn người mua sử dụng đúng cách thức. Những chủ sạp hàng tại các chợ sinh viên, các tiệm kính mắt hầu như chỉ có thể hướng dẫn một cách rất đơn giản, sao cho kính "nó áp được vào tròng mắt của mình". Những chủ cửa hàng online thì thậm chí chỉ đăng bài quảng cáo mà tuyệt nhiên không có bất cứ một bài đăng hướng dẫn người mua hàng về cách sử dụng kính.

Là một người đã và đang phải điều trị rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng nề do kính áp tròng, bác sĩ Lê Xuân Cung, Trưởng Khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ: "Các bạn trẻ nhiều khi không hiểu biết về kính, thường đến các hiệu bán kính và để được tư vấn rồi tự đeo, như vậy sẽ có rất nhiều vấn đề. Khi đeo kính tiếp xúc, thứ nhất cần phải xác định mắt người đeo có đủ điều kiện để đeo kính hay không, thứ hai là cách lắp kính tháo kính có đúng chuẩn hay không. Nguyên tắc cần nhớ trước khi lắp kính hay tháo kính thì phải rửa tay bằng xà phòng, sát trùng tay sạch, tiếp nữa là hướng dẫn về cách lắp kính cũng như là vệ sinh, tra thuốc mắt, thuốc kháng sinh rồi vệ sinh kính thì tôi nghĩ rằng chuyện này các hiệu kính khó có thể đảm bảo tốt. Thông thường, người dùng hay chủ quan vì đeo mấy ngày đầu thì không bị gì cả, đến khi có biến chứng thì họ mới đến gặp bác sĩ. Ở khoa tôi đã gặp những bệnh nhân biến chứng rất là nặng do kính tiếp xúc, có những bệnh nhân đã phải ghép giác mạc để điều trị".

Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo: nếu muốn dùng kính tiếp xúc, bệnh nhân tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám về tình trạng của mắt và được tư vấn chọn loại kính phù hợp cũng như hướng dẫn cách tháo lắp, cách dùng kính và ngâm rửa vệ sinh kính đúng quy chuẩn. Bệnh nhân cũng nên thường xuyên đến kiểm tra bác sĩ định kì trong thời gian sử dụng kính, bởi một số trường hợp đeo kính có thể gặp phải những tổn thương trên bề mặt nhãn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục