Mỹ chế tạo tai nhân tạo có chức năng như tai thật

Lan Anh, icon
10:39 ngày 25/04/2013

Các nhà khoa học Mỹ vừa đạt được một bước đột phá trong y học khi tạo ra một loại tai nhân tạo có chức năng giống như tai thật nhờ công nghệ in 3D.

Tai người như thật được làm bằng công nghệ in 3D. (Ảnh: AFP)

Tiến bộ y học này được hy vọng sẽ khắc phục những dị tật ở tai cho những người không may mắn. Những chiếc tai nhân tạo được các nhà khoa học tại trường đại học Cornell (Mỹ) thực hiện trong một quá trình kéo dài chưa đầy 15 phút, nhưng lại có thể thay đổi cuộc sống của một con người.

Trước tiên, hình dạng tai nhân tạo sẽ được thiết kế dưới máy tính để làm khuôn, sau đó chúng sẽ được in bằng máy in 3D. Một loại gel đặc biệt chứa tế bào sống cùng với sụn tai được làm bằng collagen sẽ được bỏ vào khuôn tai và trong vòng 3 tháng kể từ khi cấy ghép, các tế bào sống trên tự tạo thành sụn như tai thật thay cho sụn collagen và có chức năng như tai bình thường.

Tiến sĩ Larry Bonassar, Đại học Cornell cho biết: "Ý tưởng đằng sau việc này là bởi chúng tôi không muốn đưa vật liệu nhân tạo vào cơ thể. Chúng tôi muốn thay thế sụn tai bị thiếu bằng những sụn mới tự nhiên. Đó chính là cơ chế của công nghệ kỹ thuật mô”.

Dù chưa được thử nghiệm trên người, song các thí nghiệm trên chuột đã cho thấy những kết quả hết sức khả quan.

Một trong những thách thức lớn nhất về kỹ thuật hiện nay là việc tạo ra số lượng tế bào cần thiết cho quá trình chuyển đổi từ sụn collagen sang sụn tai thật. Mỗi ca cấy ghép cần tới 250 triệu tế bào.

“Điểm tuyệt vời nhất của công nghệ này là nó không quan tâm đến việc tế bào từ đâu tới. Chúng tôi có thể thiết kế và in bất kì loại tế bào nào, dù chúng là tế bào tai, tế bào gốc hay từ bất kì nguồn nào. Tuy nhiên, một điểm chưa rõ ràng hiện nay là số lượng tế bào hoàn hảo cho việc sử dụng lâm sàng. Song với công nghệ mà chúng tôi đang phát triển, nó sẽ có khả năng thích hợp với bất cứ công nghệ tế bào nào trong tương lai”, tiến sĩ Larry Bonassar chia sẻ thêm.

Hiện nay, cứ 10 nghìn trẻ mới sinh ở Mỹ thì có 1- 4 trẻ bị tật tai nhỏ (microtia), tức tai ngoài không phát triển đầy đủ hoặc không có tai, thường dẫn đến bị điếc. Với bước đột phá về y học này, người ta hy vọng những căn bệnh như vậy sẽ được chữa trị hoàn toàn trong tương lai.

Cùng chuyên mục