Nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân để phòng bệnh Whitmore

Mai Lê, Quang Nhật (Sở Y tế Đắk Lắk), icon
06:00 ngày 10/06/2022

VTV.vn - Sau khi ghi nhận ca mắc Whitmore đầu tiên trên địa bàn, ngành Y tế Đắk Lắk đã nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát dịch tễ và phòng, chống bệnh.

Kiểm tra nguồn nước sinh hoạt của gia đình nơi bệnh nhân mắc bệnh Whitmore sinh sống.

Bệnh Whitmore (hay tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn.

Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Bệnh Whitmore là bệnh ít gặp, không lây lan thành dịch. Bệnh ghi nhận số mắc cao chủ yếu tại Úc và khu vực Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, bệnh được phát hiện lần đầu tiên năm 1925 sau đó xuất hiện rải rác qua các năm tại một số địa phương và gần đây được phát hiện tại các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Và tại Đắk Lắk, ngày 7/6 đã ghi nhận ca bệnh Whitmore đầu tiên thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp.

Anh Ngân Văn Kiên (trú tại thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, anh trai của bệnh nhân) cho biết: "Sau khi nhận được thông tin em gái của tôi mắc bệnh Whitmore, tôi và gia đình rất lo lắng vì chưa nghe đến căn bệnh này khi nào. Tôi không biết vì sao em tôi lại mắc căn bệnh này. Qua tìm hiểu, tôi biết căn bệnh này khá là nguy hiểm, vi khuẩn gây bệnh có trong nguồn nước, đất".

Khi nghe tin gần nhà ghi nhận trường hợp mắc bệnh Whitmore, chị Lương Thị Chi (trú tại thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) không khỏi lo lắng. Nghe mọi người nói căn bệnh này là "vi khuẩn ăn thịt người" và mình có thể mắc phải khi tiếp xúc với nguồn nước hoặc đất bẩn, chị Chi khá hoang mang vì cả gia đình chị vốn làm nông, lại hay đi tắm suối và mò cua, bắt ốc.

"Mặc dù lo lắng nhưng khi cán bộ y tế và xã vào tuyên truyền và hướng dẫn cách phòng bệnh, tôi và người thân đã biết cách nên phòng bệnh như thế nào. Bên cạnh đó, cán bộ y tế cũng phun khử khuẩn, hướng dẫn người dân dọn dẹp môi trường sống, giữ vệ sinh chung, người dân chúng tôi đỡ lo lắng hơn", chị Chi chia sẻ.

Nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân để phòng bệnh Whitmore - Ảnh 1.

Cán bộ y tế tiến hành kiểm tra, giám sát môi trường sống, nguồn nước sinh hoạt của gia đình nơi bệnh nhân mắc bệnh Whitmore sinh sống.

Theo bác sĩ Lê Quang Mạnh, Phó trưởng Trạm Y tế xã Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), sau khi ghi nhận một trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Whitmore trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với y tế xã và chính quyền địa phương tổ chức xuống nhà bệnh nhân giám sát công tác phòng bệnh. Sau khi được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn và thống nhất, chiều 8/6, trạm triển khai lực lượng tiến hành phun diệt khuẩn xung quanh bể nước, các khu vệ sinh, nơi ở của các hộ dân xung quanh, phạm vi phun xử lý khoảng 20 hộ dân trong khu vực.

"Trên địa bàn xã Ia Lốp có gần 70% là hộ nghèo, chủ yếu làm nông nghiệp, trong quá trình đó các em nhỏ cũng tham gia cùng bố mẹ. Trên địa bàn xã còn có 2 con sông, do đó các em nhỏ thường ra sông chơi, tắm, bắt ốc, bắt cua. Do đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ báo cáo ban chỉ đạo xã và tiến hành tuyên truyền người dân nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, không tiếp xúc các nguồn nước bẩn có khả năng gây bệnh Whitmore", bác sĩ Mạnh nói thêm.

Chia sẻ thêm về căn bệnh này, bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch ...) có nguy cơ cao mắc bệnh.

Do đó, để phòng tránh bệnh, người dân cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng. Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục