Ngực to như quả bóng, chực "phát nổ" sau khi đặt túi ngực

Tuấn Bảo, icon
12:25 ngày 07/08/2019

VTV.vn - Dù mới cai sữa cho con được 6 tháng, một phụ nữ 30 tuổi ở Lạng Sơn vẫn quyết định đặt túi ngực vì ngực chảy, teo lép sau khi sinh 2 con.

Nhiều xi-lanh dịch được rút ra từ ngực bệnh nhân. Ảnh: bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân T.N.T. (30 tuổi, trú tại Lạng Sơn), quyết định đi phẫu thuật nâng ngực dù mới cai sữa cho con 6 tháng, ngực vẫn chưa thật sự hết sữa. Do không tìm hiểu kỹ càng về bệnh viện, bác sĩ uy tín, các phương pháp mổ, loại túi ngực nào an toàn nên bệnh nhân đã phó mặc toàn bộ cho các cô tư vấn viên của một thẩm mỹ viện lựa chọn hộ mình theo như những lời quảng cáo hoa mỹ.

Sau mổ, mặc dù có to lên, nhưng ngực của bệnh nhân không làm sao mềm mại được. Do e ngại nên bệnh nhân không đi khám mà cứ để nguyên vậy.

Cách đây khoảng 2 tuần, ngực bên trái bệnh nhân bỗng nhiên sưng to rất nhanh, to lên gấp 2, gấp 3, rồi gấp 4 lần, cảm giác căng như quả bóng bay sắp nổ. Lại nghe tin trên mạng có người bị vỡ túi ngực khi đi máy bay, bệnh nhân và chồng hốt hoảng đưa nhau về Hà Nội.

Đầu tiên hai vợ chồng cũng chạy thẳng đến một thẩm mỹ viện. Tại đây, bác sĩ sau khi kiểm tra thấy rằng không thể xử lý trường hợp này một cách an toàn nên đã gợi ý liên hệ đến khám với chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Ngực to như quả bóng, chực phát nổ sau khi đặt túi ngực - Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: bệnh nhân đến viện trong tình trạng nhợt nhạt, hốt hoảng và rất lo lắng. Bên ngực trái sưng to căng tròn như quả bóng bay với thể tích khoảng 3 - 4 lần bên đối diện, chu vi ước đến trên 50cm. Ngực phải kích thước bình thường nhưng méo mó và cứng chắc hơn nhiều. Chẩn đoán sơ bộ là tràn dịch muộn quanh bao túi ngực trên bệnh nhân có bao xơ co thắt.

Sau khi tiến hành làm xét nghiệm, siêu âm, chụp cộng hưởng từ độ phân giải cao, khám gây mê hồi sức, cũng như chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết, bệnh nhân được nhanh chóng chuyển qua phẫu thuật.

Đầu tiên, các bác sĩ phải cắm một chiếc kim đầu to và xy lanh loại lớn 50ml vào ngực để hút dịch ra ngoài nhằm giảm áp ngay cho khoang ngực trước khi có thể tiến hành phẫu thuật. Lượng dịch hút được đã vượt quá sức tưởng tượng của các bác sĩ với hơn 10 xy lanh đầy tràn khoảng 600 cc, cộng với cả 300cc túi ngực và khoảng 200cc ngực bệnh nhân có từ trước, tổng thể tích ngực của bệnh nhân trước khi phẫu thuật lên đến trên 1.000cc.

Sau khi tháo bỏ túi ngực, các bác sĩ phải tiến hành phẫu tích toàn bộ bao xơ xung quanh túi ngực. Khó khăn cho ca mổ là tổ chức bao xơ ở đây rất dày và có hiện tượng tăng sinh mạch phản ứng, có những lúc máu phun cả qua vết mổ thành tia. Ngoài ra, tổ chức bao xơ còn xâm lấn vào sát cơ thành ngực và đập theo nhịp đập của tim ở phía dưới. Các bác sĩ đã phải phải tiến hành phẫu tích hết sức tỉ mỉ vừa làm vừa cầm máu kỹ.

Trải qua gần 6 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã tháo bỏ được túi ngực và rút ra hơn 600 ml dịch lẫn chất nhầy vàng đục, cùng toàn bộ lớp bao xơ kể cả những phần đã xâm lấn vào thành ngực và bảo tồn tối đa phần tuyến vú còn lại cho bệnh nhân.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm: khó khăn ở ca mổ này là làm sao lấy bỏ được toàn bộ tổ chức bao xơ dày, đầy mạch máu tăng sinh, dính chắc vào thành ngực trái, nơi có tim ở phía dưới. Việc bóc tách có nguy cơ chảy máu cao. Vì vậy, các bác sĩ gây mê hồi sức cũng phải chuẩn bị đầy đủ các phương tiện gây mê hồi sức tích cực, truyền máu khi cần. Các vị trí bao xơ dày lên và thâm nhiễm cũng phải được đánh dấu bằng cộng hưởng từ độ phân giải cao trước mổ và xác định lại bằng hệ thống siêu âm mobile trong mổ để làm sao lấy được hết tổ chức này, tránh nguy cơ tái phát và nguy cơ có các tế bào lạ lan rộng xung quanh.

Một ê kíp các bác sĩ giải phẫu bệnh đã phải luôn túc trực trong mổ để xét nghiệm hàng chục bệnh phẩm trong thời gian nhanh nhất. Nếu xuất hiện các tế bào lạ, các phẫu thuật viên cầnphải tiến hành nạo vét hạch ngay khi cần thiết. Khi tất cả các xét nghiệm giải phẫu bệnh tức thì đều âm tính, các bác sĩ quyết định bảo tồn tuyến vú cho bệnh nhân và có thể tiến hành đặt lại túi ngay trong mổ hoặc sau 6 tháng đến 1 năm, khi tình trạng ngực đã ổn định.

Hiện tại, sau 5 ngày theo dõi sát toàn trạng, lượng máu chảy trong dẫn lưu giảm dần, không sốt, đầu ngực không bị hoại tử, bệnh nhân có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng, tinh thần ổn định và có thể ra viện. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết: vẫn tiếp tục phải chờ kết quả giải phẫu bệnh cuối cùng để xác định có các tế bào bất thường hay không để có phương án phối hợp điều trị trị tiếp.

Theo các bác sĩ, tràn dịch muộn sau đặt túi ngực là một biến chứng tương đối hiếm gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, do hay phải tiếp nhận các ca biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ từ các nơi chuyển đến nên tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng gặp 2 đến 3 ca một năm. Vấn đề các bác sĩ lo lắng ở đây không phải là nguy cơ vỡ túi ngực, vì túi ngực thường rất bền chắc, nên hiếm khi có thể bị vỡ giống như thông tin hay đồn đại - mà hiện tượng tràn dịch số lượng lớn này có thể là dấu hiệu của nguy cơ có tế bào lạ xung quanh lớp bao túi.

Mặc dù rất hiếm gặp, hiện tại trên thế giới đã thống kê một số loại túi ngực, nhất là các túi vỏ nhám to (Macro Textured Implant) hoặc được bao phủ một lớp như bọt Polyurethane bên ngoài có thể gây hiện tượng kích thích cơ thể. Một mục đích của loại vỏ nhám to này để giúp cho túi ngực bám chắc hơn vào cơ thể. Tuy nhiên, nếu việc chỉ định sai và thực hiện phẫu thuật không đảm bảo thì có thể làm tăng tỷ lệ bao xơ, tụ dịch muộn. Ví dụ: trường hợp đầu ngực vẫn còn một ít sữa hoặc một ít dịch trong nhưng vẫn mổ đường quầng, bác sĩ không cẩn thận vô trùng trong mổ thì vi khuẩn sẽ theo vào vết mổ và có thể làm tổ ở các hang hốc trên vỏ túi, rồi kích thích cơ thể hình thành một lớp màng sinh học biofilm. Nhiều giả thiết cho rằng: từ lớp màng đó có thể hình thành bao xơ rồi lại tiếp tục kích thích cơ thể phản ứng sinh ra các tế bào lạ, cũng như ra gây ra hiện tượng kích ứng và tràn dịch rất lớn.

Các chuyên gia tạo hình thẩm mỹ thế giới khuyến cáo:

- Các bệnh nhân khi đi có ý định đi phẫu thuật nâng ngực cần phải tìm hiểu thông tin kỹ càng trực tiếp với phẫu thuật viên về bệnh viện, bác sĩ mổ, kỹ thuật mổ, đường mổ. Ví dụ: mổ đường nách nội soi có thể có tỷ lệ bao xơ co thắt ít hơn so với đường quầng vì không phải cắt qua nhu mô tuyến vú... Các bác sĩ cũng phải tư vấn kỹ càng cho khách hàng đầy đủ về các ưu điểm, nhược điểm của từng loại túi ngực sẽ đặt trong người bệnh nhân.

- Với những bệnh nhân đã phẫu thuật nâng ngực và sử dụng loại túi nhám to hoặc bọc polyurethane nếu không có triệu chứng gì bất thường, không có hiện tượng bao xơ co thắt hoặc là tràn dịch lớn quanh túi thì không cần thiết phải thay túi, chỉ cần thiết phải khám và kiểm tra định kỳ với các chuyên gia phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cũng như siêu âm chụp chiếu định kỳ.

- Khi có các biểu hiện bất thường, ví dụ một bên ngực sưng to hơn gấp nhiều lần so với bên đối diện hoặc ngực trở nên cứng, chắc, méo mó, sờ thấy u cục dưới da thì cần đến khám tư vấn tại các trung tâm có các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, có đầy đủ trang thiết bị máy móc siêu âm, cộng hưởng từ độ phân giải cao, giải phẫu bệnh để được chẩn đoán sớm, xử lý kịp thời theo sát phác đồ mới nhất của thế giới, đảm bảo kết quả cả về sức khỏe cũng như về thẩm mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục