Người bệnh tâm thần tại cộng đồng khó tiếp cận thuốc

Ban Thời sự, icon
08:19 ngày 28/11/2023

VTV.vn - Phần lớn người bệnh tâm thần được điều trị tại cộng đồng, nhưng do điều kiện tài chính, một số gia đình không có tiền mua thuốc hoặc đưa đối tượng đi điều trị ở bệnh viện.

Quản lý bệnh nhân tâm thần

Thời gian qua, số vụ việc, vụ án do người mắc bệnh tâm thần gây ra có diễn biến phức tạp, trong đó có các vụ giết người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây hoang mang, lo lắng cho người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự. Nhiều trường hợp có dấu hiệu bệnh tâm thần, nhưng không được quản lý, sống ngoài cộng đồng.

Tại tỉnh Điện Biên, chỉ trong mấy tháng đã xảy ra 3 vụ án mạng nghiêm trọng, thủ phạm đều là bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng.

Ngày 2/12/2022, tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, một phụ nữ đã dùng dao đâm cha đẻ của mình tử vong tại chỗ.

Đêm 27/12/2022, tại bản Kéo, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, một người cha bị bệnh tâm thần đã ra tay sát hại 2 đứa con nhỏ trước sự bất lực của những người xung quanh.

Còn đêm 3/2 năm nay, đối tượng tâm thần tại bản Pa Kín, xã Na Tông, huyện Điện Biên đã tự đốt nhà, sau đó dùng dao đâm trưởng bản tử vong khi ông này đến chữa cháy.

Người bệnh tâm thần tại cộng đồng khó tiếp cận thuốc

Đặc điểm chung của những vụ việc thương tâm trên đó là người thực hiện hành vi thường có bề ngoài khá bình thường, nhưng khi lên cơn, lại bộc phát hành động rất nguy hiểm, gây hậu quả đau lòng. Hệ lụy này đến từ công tác quản lý, giám sát, điều trị người bị tâm thần hoặc có biểu hiện tâm thần trong gia đình và cộng đồng còn nhiều bất cập.

Hiện nay theo thống kê, số người mắc các chứng bệnh về tâm thần ở nước ta lên tới 20% dân số. Số người cần điều trị và theo dõi của bác sĩ là 6 - 7%.

Phần lớn người bệnh tâm thần được điều trị tại cộng đồng, nhưng do điều kiện tài chính, một số gia đình không có tiền mua thuốc hoặc đưa đối tượng đi chăm sóc, điều trị ở các bệnh viện. Chương trình Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia đã kết thúc.

Người bệnh tâm thần tại cộng đồng khó tiếp cận thuốc - Ảnh 1.

Theo thống kê, số người mắc các chứng bệnh về tâm thần ở nước ta lên tới 20% dân số. (Ảnh: NLĐ)

Gia đình bà Lương ở Quảng Xương, Thanh Hóa, có 6 anh em đều bị bệnh tâm thần nhưng chỉ có 3 người được trợ cấp xã hội. Cả 6 người cần uống thuốc điều trị thường xuyên, nhưng hiện giờ không ai uống vì không có điều kiện thăm khám và cũng không có tiền mua thuốc.

Hai chị em bà Na (Thanh Hóa) cùng có vấn đề về sức khỏe tâm thần, lúc tỉnh, lúc mê. Không có người thân chăm sóc nên 2 bà không thể đi khám và lấy thuốc thường xuyên. Hai người chỉ có mấy viên thuốc giảm đau để đối phó với những cơn đau đầu hành hạ.

Xã Quảng Trạch, Quảng Xương, Thanh Hóa có 66 bệnh nhân phải uống thuốc cả đời, nhưng hiện không còn ai uống.

"Phần lớn bệnh nhân bỏ điều trị. Chúng tôi ở đây chỉ phối hợp cập nhật được danh sách bệnh nhân. Các trạm y tế không được cấp thuốc, phát thuốc cho bệnh nhân", bác sĩ Đặng Văn Thanh, Trạm trưởng Trạm y tế Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, cho biết.

"Trung tâm y tế quản lý được bệnh nhân tâm thần, tuy nhiên trong công tác điều trị, thuốc điều trị không cấp về tuyến huyện, mà chủ yếu ở trên tỉnh", bác sĩ Lê Quang Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, cho hay.

Mỗi tháng, ông Cảnh phải đi hơn 45 km về thành phố Thanh Hóa khám bệnh. Ngoài việc mất thời gian chờ đợi, tiền xe đi lại, ông và gia đình còn gặp phải sự kỳ thị khi nhiều người không đồng ý cho bệnh nhân đi chung xe với họ. Vì những khó khăn, bất tiện này nên nhiều bệnh nhân chỉ đi khám và lấy thuốc 1 - 2 lần rồi bỏ.

Hiện nay, theo thống kê, số người mắc các chứng bệnh về tâm thần ở nước ta lên tới 20% dân số. Số người cần điều trị và theo dõi của bác sĩ là 6 - 7% và số cần uống thốc cả đời lên đến hơn 2%. Vì vậy, sự thiếu hụt về chăm sóc y tế đối với các bệnh nhân sẽ gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Người bệnh tâm thần vốn được thăm khám, phát thuốc tại nhà nay phải đến các cơ sở y tế và chỉ những người bệnh nặng mới được điều trị tại các trung tâm hoặc bệnh viện. Khi người bệnh không được điều trị uống thuốc đều, người thân, hàng xóm luôn sống trong tình trạng căng thẳng.

"Bỏ thuốc thì bệnh sẽ tái phát và nặng hơn, điều này thực sự nguy hiểm, làm người bệnh mất khả năng lao động, phải sống dựa hoàn toàn vào gia đình, xã hội và là gánh nặng cho cộng đồng", bác sĩ Nguyễn Tuấn Đại, Phó Giám đốc Bệnh viên tâm thần Trung Ương 1, nhận định.

Điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng

Nhận thấy việc cấp phát thuốc tại nhà cho bệnh nhân tâm thần là cách làm hiệu quả, nhiều tỉnh đã đưa ra Hội đồng nhân dân bàn để biểu quyết thông qua việc hỗ trợ cấp phát thuốc tại xã cho bệnh nhân tâm thần trên địa bàn.

Hàng tháng, ông Bình vẫn đều đặn đến trạm y tế xã lĩnh thuốc điều trị bệnh tâm thần. Không phải vất vả, tốn kém, ông thấy rất hài lòng khi được chăm sóc ngay tại xã.

Tại Thái Bình, các hoạt động khám và phát thuốc cho bệnh nhân tâm thần tại các xã vẫn diễn ra bình thường, dù chương trình mục tiêu đã kết thúc. Hội đồng nhân dân tỉnh đã đồng ý lấy ngân sách địa phương để bệnh viện tỉnh chi tiền mua thuốc và cấp phát ngay tại xã cho người bệnh tâm thần.

Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bệnh nhân tâm thần ngay tại cộng đồng giúp cho người bệnh được chăm sóc tốt hơn. Nhiều người có khả năng lao động, phát triển kinh tế gia đình trong thời gian điều trị tại nhà và cộng đồng dân cư cũng an tâm hơn.

"Đảm bảo người bệnh không thiếu thuốc, nên làm việc với bảo hiểm y tế để tiếp tục cấp phát thuốc miễn phí ở tại địa phương , hoặc phải xin kinh phí của địa phương để cấp thuốc như giai đoạn trước đây", TS. BS. Cao Văn Tuân, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viên tâm thần Trung Ương 1, cho biết.

Nếu không điều trị và uống thuốc duy trì thì khoảng 3 triệu người sẽ có cuộc sống khó khăn. Y tế cấp xã đóng vai trò quan trọng vì là nơi gần bệnh nhân nhất và nắm rõ tình trạng của từng người. Thời gian tới, Bộ Y tế cần nghiên cứu và điều chỉnh các quy định để người bệnh tâm thần tiếp tục được chăm sóc, chữa trị ngay tại cộng đồng.

Trong xã hội hiện đại, sức khỏe tâm thần cũng là điều đáng lo ngại khi con người ngày càng đối diện với những áp lực tâm lý, nguy cơ đối diện với bệnh tâm thần ngày càng lớn. Tuy nhiên hệ thống chăm sóc bệnh nhân tâm thần vẫn chưa được quan tâm đúng mức, như tuyến huyện hầu như không có dịch vụ cung cấp sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, người bệnh tâm thần chỉ điều trị bằng thuốc, còn tâm lý trị liệu rất hạn chế. Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng cũng chưa có nguồn tài chính bền vững. Đây là vấn đề cần có sự quan tâm thấu đáo.

1/5 số trẻ vị thành niên Việt Nam gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần 1/5 số trẻ vị thành niên Việt Nam gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần

VTV.vn - 1/5 trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ hơn 8% các em đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho những vấn đề về cảm xúc, hành vi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục