Người mắc bệnh tuyến giáp nên và không nên ăn gì?

Linh Chi, icon
10:00 ngày 16/04/2020

VTV.vn - Ngoài thời gian điều trị để cân bằng lại hormone, chế độ dinh dưỡng hàng ngày cũng giúp người mắc bệnh về tuyến giáp nhanh phục hồi và duy trì sức khỏe tuyến giáp.

Hình minh họa.

Dưới đây là lưu ý của các bác sĩ Bệnh viện Nội tiêt Trung ương về những loại thực phẩm nên và không nên ăn khi mắc bệnh tuyến giáp để thúc đẩy quá trình điều trị đạt hiệu quả sớm hơn.

Nên ăn

Thực phẩm giàu i-ốt

Tuyến giáp cần i-ốt để sản sinh ra các hormone cần thiết. Nếu muốn tìm đến nguồn thực phẩm giàu i-ốt tự nhiên thì hãy lựa chọn tảo biển, cá biển, cua, ghẹ... hoặc các thực phẩm có tăng cường i-ốt như muối i-ốt và bổ sung thường xuyên để cơ thể không thiếu hụt i-ốt.

Rau lá xanh

Rau bina, rau diếp, cải xoăn... đều là những loại rau lá xanh chứa nguồn magie và khoáng chất dồi dào. Thường xuyên ăn rau lá xanh không chỉ hỗ trợ hoạt động của tuyến giáp mà còn giảm bớt tình trạng mệt mỏi, chuột rút cơ và thay đổi nhịp tim của cơ thể.

Các loại hạt

Hạt điều, hạnh nhân, hạt bí... cũng là một nguồn thực phẩm tuyệt vời giàu sắt và magie nên rất tốt cho tuyến giáp. Không những thế, các loại hạt còn cung cấp cho cơ thể một nguồn vitamin E và B giúp tuyến giáp hoạt động trơn tru hơn.

Hạn chế ăn

Các sản phẩm từ đậu nành

Một số hợp chất được tìm thấy trong các sản phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu phụ... có thể gây cản trở khả năng tạo ra hormone của tuyến giáp. Bởi lẽ, đậu nành có thể làm giảm khả năng hấp thu i-ốt vào cơ thể. Do đó, nếu mắc bệnh về mất cân bằng hormone hay rối loạn tuyến giáp thì bạn không nên ăn đậu nành hoặc đậu phụ hàng ngày và kéo dài, có thể dùng thay đổi trong tuần với số lượng hợp lý hoặc đi tư vấn dinh dưỡng để có thông tin chính xác.

Đồ ăn từ nội tạng động vật

Thận, tim, hoặc gan đều là những cơ quan nội tạng có chứa nhiều axit lipoic, một axit béo có thể làm gián đoạn quá trình hoạt động của tuyến giáp nếu bạn tiêu thụ quá nhiều. Thậm chí, axit lipoic còn có thể tương tác với thuốc điều trị tuyến giáp mà bạn đang sử dụng, nên bạn cần trao đổi với bác sĩ để biết thông tin đầy đủ.

Thực phẩm chứa gluten

Gluten thường được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch... nó sẽ có hại khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh celiac. Bởi gluten có thể gây tổn thương đường tiêu hóa của người mắc bệnh celiac. Bên cạnh đó, nó còn gây ra vô số vấn đề nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tuyến giáp, từ đó gây ra bệnh Hashimoto (viêm tuyến giáp) và bệnh Graves (cường giáp). Hãy đi tư vấn dinh dưỡng để biết các thực phẩm nào chứa gluten.

Chất xơ và đường

Cho dù chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa thì bạn cũng không nên ăn quá thường xuyên vì nó có thể ngăn cản sự hấp thu của thuốc vào cơ thể. Do đó, người bệnh nên ăn đủ chất xơ hàng ngày theo khuyến nghị của chuyên gia dinh dưỡng.

Mặt khác, đường và các chất tạo ngọt cũng có thể gây suy giảm chức năng tuyến giáp. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới việc chuyển hóa đường thành năng lượng, từ đó gây tăng cân và hạn chế hoạt động của tuyến giáp. Ngoài ra, nếu sử dụng quá nhiều đường và chất tạo ngọt có thể gây thừa cân, rối loạn chuyển hóa đường, cũng như các rối loạn chuyển hóa khác. Do đó, cần phải tư vấn dinh dưỡng để biết lượng đường và chất xơ phù hợp nhất cho mỗi người bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục