Nguy cơ bùng phát dịch sởi nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ tại Litva

Nguyễn Mai, icon
08:36 ngày 16/03/2019

VTV.vn - Trung tâm trợ giúp và dịch truyền nhiễm Litva thông báo: khu vực hạt Kaunas đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch sởi lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Sởi có nguy cơ bùng phát cao do nhiều phụ huynh không cho con đi tiêm vaccine.

Khu vực hạt Kaunas là hạt lớn thứ hai ở Litva. Điều này càng khiến giới chức y tế lo ngại dịch sởi lây lan mạnh và khó kiểm soát, trong bối cảnh nhiều bậc cha mẹ đã và đang "quay lưng" với vaccine phòng bệnh cho trẻ.

Theo Trung tâm trợ giúp và dịch truyền nhiễm Litva (ULAC), ít nhất 87 ca mắc sởi đã được ghi nhận trong năm nay ở Kaunas và nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Tính trên phạm vi cả nước, đã có 128 ca mắc sởi riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, cao gấp hơn 3 lần so với tổng số 30 ca trong cả năm 2018. Khoảng 65% người mắc sởi đang được chăm sóc y tế tại bệnh viện do biến chứng, chủ yếu là viêm phổi, viêm tai giữa.

ULAC cho biết: nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát là do các bậc cha mẹ nước này đã nói "không" với việc tiêm vaccine cho trẻ. Trong số 32 trẻ mắc bệnh, có tới 30 trẻ chưa được tiêm vaccine. Số liệu thống kê của ULAC cũng cho thấy: số lượng trẻ tiêm vaccine phòng sởi đã giảm từ mức 97% trong năm 2009 xuống còn 92,2% trong năm 2018. Trung bình mỗi năm có khoảng 5.000 trẻ không được tiêm vaccine ở Litva - quốc gia nhỏ vùng Baltic có dân số chưa đến 3 triệu người.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi với tỷ lệ lây nhiễm cao tới 90% nếu người mắc chưa được tiêm phòng. Người nhiễm sởi có các triệu chứng sốt, phát ban, ho, mắt đỏ... Bệnh tuy ít gây tử vong nhưng có thể dẫn tới nhiều biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc, viêm não, đặc biệt ở trẻ nhỏ suy dinh dưỡng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 20 trẻ nhỏ mắc sởi sẽ có 1 trẻ bị viêm phổi, và cứ 1.000 trẻ mắc sởi lại có 1 bé bị viêm não hoặc gặp tình trạng phù nề ở não, có thể dẫn tới co giật, điếc và tổn thương não. Ngoài ra, 11/100.000 người (cả trẻ em và người lớn) mắc sởi sẽ tiếp tục bị viêm não toàn bộ xơ hóa cấp tính (SSPE) ở hệ thần kinh trung ương khoảng 10 năm sau lần đầu nhiễm virus sởi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục