Nguy cơ lây nhiễm virus hợp bào hô hấp ở trẻ nhỏ mùa thu đông

P.V, icon
07:01 ngày 12/11/2019

VTV.vn - Thời tiết giao mùa thường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, trong đó có nhiễm virus hợp bào hô hấp - RSV.

Hình minh họa.

Theo chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Danh Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, virus RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với khả năng lây lan rất mạnh. Có tới 90% trẻ em nhiễm loại virus này trong 2 năm đầu đời.

Nhiễm virus hợp bào hô hấp gây ra các triệu chứng tương tự như cảm cúm thông thường ở phần lớn trẻ nhỏ, nhưng có một tỷ lệ nhỏ trẻ bị nhiễm RSV tiến triển nặng thành viêm tiểu phế quản, viêm phế quản hoặc viêm phổi rất nguy hiểm cho trẻ. Bệnh này có thể gặp quanh năm nhưng thường là vào mùa mưa ở các tỉnh phía Nam hay mùa lạnh ở các tỉnh phía Bắc của nước ta. Hiện vẫn chưa có vaccine bảo vệ trẻ khỏi loại virus này.

Nguồn lây truyền và đối tượng nguy cơ nhiễm bệnh

- Nguồn bệnh là người nhiễm RSV. Bệnh có thể lây từ thời kỳ ủ bệnh đến thời kỳ có biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, virus có thể sống nhiều giờ trên tay, các bề mặt môi trường và đồ chơi nên con người có thể nhiễm bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt mang mầm bệnh này.

- RSV lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như hôn trẻ hoặc lây truyền gián tiếp do tiếp xúc với các bề mặt bị ô nhiễm, chất tiết của bệnh nhân.

- Đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh: Trẻ sinh non; Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi (gặp nhiều ở trẻ từ 2 - 3 tháng tuổi); Trẻ dưới 2 tuổi mắc bệnh tim, phổi bẩm sinh; Trẻ có hệ miễn dịch suy yếu (như suy dinh dưỡng, hóa trị…); Người già yếu; Người bị bệnh tim, phổi mạn tính; Những người bị suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV, hóa trị, dùng các thuốc gây suy giảm miễn dịch…).

Biểu hiện lâm sàng của bệnh

- Thời kỳ ủ bệnh: Từ khi nhiễm virus đến khi có biểu hiện bệnh trung bình từ 2 - 8 ngày.

- RSV thường gây bệnh ở đường hô hấp trên (mũi, họng) với các triệu chứng thường nhẹ và giống như cảm lạnh thông thường, bao gồm: Sốt nhẹ, ho, hắt hơi, ngạt chảy nước mũi. Khoảng 25 - 40% trẻ bị bệnh có biểu hiện viêm đư­ờng hô hấp d­ưới nh­ư viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi.

- Bệnh diễn biến đặc biệt nặng ở trẻ có bệnh tim bẩm sinh, bệnh đư­ờng hô hấp bẩm sinh hoặc suy giảm miễn dịch.

Các biểu hiện nặng của bệnh: Sốt cao liên tục; khó thở (thở nhanh), có thể xuất hiện tím tái ở mô, đầu chi; thở khò khè, có tiếng thở rít, có cơn ngừng thở; ho nhiều với đờm vàng, xanh, đục; trẻ quấy khóc nhiều hoặc mệt mỏi, lờ đờ, bỏ bú; có dấu hiệu mất nước như khóc không ra nước mắt, không đi tiểu trong vòng 6 giờ, da khô nhăn nheo.

Ở ngư­ời lớn chủ yếu là biểu hiện cảm lạnh như­ sổ mũi, đau rát họng, ho, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu. Có thể gặp viêm phổi ở ngư­ời già, người có bệnh phổi mạn tính.

Phòng bệnh

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh do RSV. Do đó, để giúp ngăn ngừa hiệu quả lây nhiễm RSV cho trẻ cần thực hiện các biện pháp sau:

- Rửa tay sạch sẽ mỗi khi tiếp xúc với trẻ, đặc biệt là khi đi ra ngoài, đến các khu vực đông đúc, nơi vui chơi có nhiều người, sau khi tiếp xúc với người có triệu chứng tương tự như cảm cúm.

- Nếu cha mẹ hay người thân bị bệnh thì tuyệt đối không được đến gần, bế trẻ hay ôm hôn trẻ.

- Làm sạch các bề mặt, dụng cụ có thể bị ô nhiễm mầm bệnh.

- Không để người lạ mặt tiếp xúc với trẻ, đặc biệt không cho hôn trẻ.

- Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người, nóng bức, thiếu khí.

- Khi đi ra đường nên giữ ấm và bảo vệ đường hô hấp trên cho trẻ. Có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào mắt, mũi cho trẻ sau khi đi chơi về.

- Quan sát, để ý và nhắc nhở trẻ không mút tay hoặc ngậm đồ chơi.

- Giúp trẻ tăng cường sức đề kháng: Cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi, không để trẻ bị lạnh, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bếp than, khói thuốc lá.

- Những trẻ mắc các bệnh tim, phổi bẩm sinh nếu có những biểu hiện bệnh như: sốt, ho, khó thở cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị đúng.

- Cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên và tiêm vaccine đầy đủ, đúng kỳ hạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục