Nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp do thiếu i-ốt

P.V, icon
02:00 ngày 13/10/2020

VTV.vn - I-ốt là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho con người, thế nhưng, rất nhiều người lại không để ý đến điều này dẫn đến nguy cơ gia tăng các bệnh tuyến giáp.

Hình minh họa.

Tại Khoa Bệnh lý tuyến giáp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận khoảng gần 50 lượt bệnh nhân nhập viện. Trong đó, nguyên nhân chính là do thiếu hụt i-ốt và người bệnh thường phát hiện muộn.

TS.BS Lê Thị Việt Hà, Trưởng Khoa Bệnh lý tuyến giáp cho biết: Số lượng tuyến giáp ngày càng trẻ hóa. Các bệnh nhân mắc bệnh lý tuyến giáp đa số chưa được phát hiện sớm. Do ban đầu các triệu chứng lâm sàng chưa rõ ràng nên khi bệnh nhân đến khám dễ nhầm với các bệnh lý khác.

Chị N.T.D., 26 tuổi, ở Nam Định chia sẻ: Khi giơ 2 tay ra đằng trước thì không giữ được thăng bằng, hơi run. Trong bữa ăn hàng ngày,chị không để ý đến món ăn có thành phần i-ốt. Sau khi thăm khám, chị được chẩn đoán mắc bướu basedow.

Theo các chuyên gia, nhu cầu i-ốt của cơ thể tùy theo lứa tuổi, mỗi ngày, 1 người trưởng thành cần từ 100 - 300 mcg; thanh thiếu niên cần 120 -150 mcg; trẻ dưới 6 tuổi là 40 - 90 mcg ; phụ nữ có thai và cho con bú là 200 mcg...

TS.BS Lê Thị Việt Hà cho biết thêm: Trẻ ở thời kì bào thai mà thiếu i-ốt sẽ bị tổn thương thần kinh, khuyết tật thần kinh, tổn thương não bộ. Trẻ sinh ra sẽ chậm phát triển về trí tuệ, tâm thần, tâm sinh lý. Thanh thiếu niên mà thiếu i-ốt gây nhẹ nhất là bướu cổ, cổ to. Trầm trọng sẽ dẫn đến suy giáp.

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân cần bổ sung i-ốt theo đúng chỉ định của bác sĩ. Bởi nạp quá nhiều i-ốt sẽ gây biến đổi hoặc tăng gánh nặng cho chức năng tuyến giáp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục