Nguy cơ sởi biến chứng nặng do không tiêm vaccine phòng ngừa

Nguyễn Liên, icon
01:35 ngày 09/08/2018

VTV.vn - Trong số 4 bệnh nhi mới nhất nhiễm sởi gần đây tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 100% các trường hợp đều chưa tiêm vaccine phòng sởi theo đúng quy định.

Hai bé sinh đôi M.D. và H.D. mắc sởi biến chứng.

Theo đó, trong số 4 trường hợp trẻ mắc sởi nhập viện, có 3 trẻ được chẩn đoán có biến chứng vào phổi.

Hai trong số 3 trường hợp này là cặp anh em sinh đôi Nguyễn Hoàng M.Đ. và Nguyễn Hoàng H.Đ. (11 tháng tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội). Hai bé nhập viện cách ngày, đều có chung tình trạng sốt cao, ho, chảy nước mắt nước mũi, xuất hiện các nốt ban lan dần từ mặt đến toàn thân, nôn trớ nhiều và khó thở.

Nguy cơ sởi biến chứng nặng do không tiêm vaccine phòng ngừa - Ảnh 1.

Những trường hợp bệnh nhi mắc sởi nặng được điều trị tại khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Theo chẩn đoán từ các bác sĩ, hai bé bị viêm phổi nặng trên nền bệnh sởi. Tính tới hôm nay - ngày điều trị thứ 8, bệnh tình của cặp song sinh vẫn không thuyên giảm, bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng suy hô hấp rất nguy hiểm.

"Chúng tôi đã sử dụng phác đồ điều trị sởi của Bộ Y tế bên cạnh việc sử dụng phác đồ điều trị viêm phổi nặng. Tuy nhiên, do hai cháu chưa được tiêm vaccine, sức đề kháng kém cộng với việc suy dinh dưỡng (cân nặng kém gần 40% trọng lượng cơ thể so với một đứa trẻ Việt Nam cùng tuổi bình thường) nên tới tận bây giờ bệnh tình của hai cháu vẫn rất đáng lo ngại. Hiện chúng tôi đang tiếp tục chuẩn bị các phương án để chữa trị cho bệnh nhi". – Th.S Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Phó Trưởng Khoa Nhi thông tin.

Nguy cơ sởi biến chứng nặng do không tiêm vaccine phòng ngừa - Ảnh 2.

Trẻ mắc sởi do chưa được tiêm ngừa theo đúng quy định.

Bà Phạm Thị Quặn, bà nội của hai cháu cho biết, do hai cháu sinh non, sức khỏe yếu nên gia đình không thể cho hai cháu tiêm ngừa bệnh sởi đúng quy định: "Hai cháu nhà tôi sinh non khi mới 30 tuần. Ngày có lịch tiêm phòng thì các cháu còn nhỏ quá, thiếu cân, lại ốm suốt nên gia đình không đưa cháu đi tiêm được, chứ thật sự thì tôi cũng muốn cháu được tiêm phòng". – Bà Quặn chia sẻ.

Một trường hợp bệnh nhi mắc sởi khác cũng đang có những biến chứng qua phổi là cháu Bùi Quang D. (16 tháng tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội). Bà Đặng Thị Tâm, bà ngoại của cháu vẫn phải bế đứa cháu nhỏ trên tay cả ngày, bởi đặt xuống là cháu lại quấy khóc do khó thở. Bà Tâm cho biết: "Khi cháu 9 tháng tuổi, đúng lúc có đợt tiêm phòng bệnh sởi thì cháu bị ốm, phải lên bệnh viện điều trị nên không đi tiêm được. Sau đợt đó gia đình tôi thấy cháu vẫn còn yếu nên cũng không cho đi tiêm, đến nay cháu bệnh thế này tôi thật sự rất lo lắng".

Nguy cơ sởi biến chứng nặng do không tiêm vaccine phòng ngừa - Ảnh 3.

Bà Đặng Thị Tâm phải bế cháu trên tay cả ngày bởi đặt xuống là cháu quấy khóc.

Theo thông tin từ Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 34 ca mắc sởi từ nhiều tỉnh thành, trong đó tất cả các ca đều dưới 5 tuổi và cũng đều chưa được tiêm phòng theo đúng yêu cầu. Nguyên nhân chưa tiêm phòng được lý giải là do một số gia đình cho rằng việc này có thể gây nguy hiểm cho con em mình nên từ chối, một số khác có con em bị ốm trùng với lịch tiêm, sau không nhớ việc đưa con đi tiêm lại, dẫn đến trẻ không được tiêm phòng đúng kế hoạch.

PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi cho biết: việc tiêm chủng phòng sởi rất quan trọng, bởi lẽ nếu để sởi biến chứng thì nguy cơ sẽ rất khó lường. 90% dịch sởi vẫn sẽ còn nếu các bậc phụ huynh không đảm bảo kế hoạch tiêm chủng cho trẻ đúng theo quy định.

Cũng theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, đây là thời điểm dịch sởi dễ bùng phát, cha mẹ cần theo dõi thật kĩ sức khỏe của trẻ, khi thấy một số biểu hiện như sốt cao đột ngột, bé không ăn được, bỏ bú, ho hay nôn trớ nhiều,... cần phải đưa ngay đến các cơ sở y tế để chuẩn đoán kịp thời. Đặc biệt, nếu trẻ đã mắc bệnh, gia đình cần hỏi ý kiến bác sĩ và cho trẻ ăn uống đầy đủ để có sức khỏe chống đỡ với bệnh tật. "Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhi do gia đình thiếu kiến thức, kiêng khem sai lầm, kiêng ăn đủ thứ dẫn đến trẻ không đủ chất và sức đề kháng, bệnh ngày một kéo dài hơn". – Bác sĩ Huy cho biết thêm.

Sởi là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Sởi có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, tuy nhiên các bé dưới 5 tuổi, đặc biệt là bé dưới 1 tuổi dễ gặp hơn bởi lúc này hệ miễn dịch của các bé chưa hoàn chỉnh. Dấu hiệu của bệnh là sốt cao, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Khi bị sởi, sức đề kháng và khả năng đáp ứng của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ gặp các biến chứng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục