Nguy hiểm khi chữa bệnh Thalassemia cho trẻ bằng các bài thuốc không rõ nguồn gốc

Mai Lê (Sở Y tế Đắk Lắk), icon
09:04 ngày 24/03/2022

VTV.vn - Với tâm lý muốn con nhanh khỏi bệnh, đã có không ít phụ huynh có con mắc bệnh Thalassemia tự ý mua và sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị cho trẻ.

Thăm khám cho trẻ mắc bệnh Thalassemia. Ảnh: Quang Nhật

Có con mắc bệnh Thalassemia đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, anh T.V.H. (trú tại thôn 16, Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Con anh năm nay 7 tuổi, khi được 3 tháng tuổi, bé thường xuyên quấy khóc, gia đình đưa bé nhập viện khám thì các bác sĩ kết luận bé bị bệnh Thalassemia. Giai đoạn trước 3 tuổi, trung bình khoảng 3 - 4 tháng gia đình lại đưa bé vào viện một lần để truyền máu và thải sắt. Càng lớn, thời gian bé nhập viện càng rút ngắn hơn, bây giờ 1 tháng bé phải vào viện 1 lần. Vì lo lắng cho sức khỏe của bé, bên cạnh việc đưa bé vào viện điều trị, gia đình còn tìm mua đủ các loại thuốc được quảng bá là chữa khỏi bệnh Thalassemia cho trẻ.

"Có người cam kết lấy thuốc của họ uống sẽ đỡ phải đi truyền máu, bệnh sẽ thuyên giảm, 2 - 3 tháng mới phải đi truyền máu một lần. Thấy họ quảng cáo có vẻ uy tín nên gia đình cũng cố gắng vay mượn tiền mua thuốc cho bé uống, nhưng thực tế chẳng thay đổi được gì, sức khỏe bé vẫn ngày một yếu đi. Nghe ai chỉ chỗ nào có bài thuốc trị được bệnh hoặc giúp bệnh tình thuyên giảm là tôi lại đặt mua, nhưng thực tế tốn kém rất nhiều tiền rồi bệnh vẫn không giảm, vẫn phải đều đặn đi bệnh viện truyền máu" - anh H. chia sẻ.

Nắm bắt tâm lý của không ít phụ huynh có con mắc bệnh Thalassemia muốn con nhanh chóng khỏi bệnh, trên mạng xã hội xuất hiện không ít bài viết quảng cáo các bài thuốc chữa khỏi bệnh hoặc giúp thuyên giảm bệnh với mục đích thu lợi nhuận, trong khi đó, người bệnh do không được thăm khám trực tiếp để có thể chẩn đoán chính xác, nên rất dễ dẫn đến tình trạng "bệnh một đằng, chữa một nẻo". Chưa kể, các bài thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, thậm chí còn bị ngâm tẩm hóa chất độc hại để chống mốc, chống nấm... khiến người bệnh uống vào có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Anh B.V.V. (trú tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Con tôi năm nay 10 tuổi, bé được phát hiện mắc bệnh Thalassemia từ năm 1 tuổi. Suốt thời gian con mắc bệnh, gia đình cũng có chạy chữa ở nhiều nơi, mua các bài thuốc nam về sắc cho bé uống. Tốn kém nhiều tiền của nhưng vẫn không thấy hiệu quả, cuối cùng vẫn phải đi bệnh viện truyền máu để duy trì sự sống cho con".

Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ đến viện điều trị bệnh Thalassemia rất nhiều. Theo thống kê tại bệnh viện, có hơn 400 trẻ đã được chẩn đoán mắc Thalassemia và điều trị liên tục tại bệnh viện. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 20 - 30 trẻ bị Thalassemia.

Thalassemia là bệnh lý không thể chấm dứt hoàn toàn, có rất nhiều biện pháp để điều trị bệnh và các biện pháp điều trị này chỉ có ở các cơ sở y tế. Đến nay, vẫn chưa có thuốc nào để chấm dứt được bệnh Thalassemia. Đó là khẳng định của Liên đoàn Thalassemia thế giới cũng như của Hiệp hội chuyên khoa về bệnh lý Thalassemia.

"Với các gia đình không may có con mắc Thalassemia, nên đến cơ sở y tế để được hướng dẫn, điều trị, quản lý một cách hệ thống và liên tục. Điều trị bệnh Thalassemia hiện nay ngoài truyền máu, thải sắt, điều trị hỗ trợ, điều trị từ trong và còn một số biện pháp cao cấp như ghép tủy, liệu pháp gene, cắt lách… đều là các liệu pháp điều trị Thalassemia chỉ có ở các bệnh viện. Do đó, khi trẻ mắc Thalassemia, phụ huynh nên liên hệ với bệnh viện gần nhất để được hướng dẫn, điều trị kịp thời, không có một biện pháp dân gian nào có thể điều trị bệnh lý này một cách triệt để" - bác sĩ Minh nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 20.000 người bị Thalassemia thể nặng, mỗi năm có thêm khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, có khoảng 12 triệu người mang gene bệnh Thalassemia. Nếu không điều trị, bệnh Thalassemia gây tử vong rất sớm ngay từ khi còn là trẻ nhỏ; điều trị không đầy đủ thì có thể tử vong khi 15 - 20 tuổi. Chi phí điều trị bệnh tan máu bẩm sinh rất tốn kém.

Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được khi có hiểu biết đầy đủ về bệnh và có biện pháp phòng tránh bằng cách tránh không sinh ra trẻ mang gene bệnh do nhận từ cả bố và mẹ bằng các biện pháp như: Tầm soát và phòng tránh bệnh từ sớm với các biện pháp xét nghiệm, tư vấn tiền hôn nhân. Các cặp vợ chồng chuẩn bị có thai hoặc đang mang thai, đặc biệt các gia đình đã có người bệnh Thalassemia nên được tư vấn và chẩn đoán tiền hôn nhân. Sàng lọc phát hiện bệnh sớm cho thai nhi bằng các xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán gen đột biến trong thời thai kỳ. Nếu cả vợ và chồng đều mang gene bệnh thì thai nhi có 25% nguy cơ bị mắc bệnh ở thể nặng, trường hợp này cần được thực hiện chẩn đoán trước sinh bằng phương pháp chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau và tìm đột biến gene.

Để trẻ sinh ra khỏe mạnh, các cặp vợ chồng hãy thực hiện tư vấn tiền hôn nhân và sàng lọc trước sinh. Nếu trẻ sinh ra chẳng may mắc bệnh Thalassemia, phụ huynh hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị và quản lý, tuyệt đối không nên sử dụng các bài thuốc không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục