Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ghèn nhiều

Linh Chi, icon
09:24 ngày 16/02/2019

VTV.vn - Hành trình chăm trẻ sơ sinh không hề đơn giản, đòi hỏi người mẹ phải trang bị nhiều kiến thức không chỉ về chế độ ăn uống mà còn cách phòng bệnh, triệu chứng thường gặp.

Hình minh họa.

Nguyên nhân mắt trẻ sơ sinh bị ghèn

Mắt trẻ sơ sinh bị ghèn nhiều là một hiện tượng bình thường. Nguyên nhân có thể do nước ối và máu chảy vào mắt bé, hiện tượng này sẽ chỉ xuất hiện trong vài ngày và thường tái đi tái lại.

Trường hợp trẻ sơ sinh bị ghèn mắt lâu ngày (từ 3 - 5 ngày không khỏi) hoặc sau một thời gian mới xuất hiện tình trạng trẻ bị ghèn vàng ở mắt thì nguyên nhân có thể là do bé bị nhiễm trùng mắt hay mắc phải một số bệnh như đau mắt đỏ hoặc bị tắc tuyến lệ ở mắt.

Ngoài ra, nguyên khiến mắt trẻ sơ sinh bị ghèn là do vệ sinh kém gây ra. Những trường hợp mắt bé sơ sinh bị ghèn nhiều, dính với lông mi bít kín mắt bé nếu không được vệ sinh kịp thời, rỉ khô đóng thành tảng sẽ khiến bé rất khó khăn khi mở mắt.

Tùy vào từng trường hợp mắt bé sơ sinh bị đổ ghèn là do nguyên nhân gì sẽ có những cách chăm sóc cụ thể khác nhau:

Mắt trẻ sơ sinh bị rỉ ghèn đùn dính với lông mi, bít kín mắt bé

Với tình trạng này sẽ gây khó khăn cho bé trong việc mở mắt do rỉ ghèn nhiều, các mẹ cần vệ sinh mắt ngay để tránh rỉ mắt khô và đóng tảng. Để loại bỏ rỉ ghèn ở mắt các mẹ cần lưu ý:

- Dùng bông gòn nhúng vào nước ấm pha một ít muối và lau mắt cho bé thật nhẹ nhàng.

- Chỉ lau bên nào bị rỉ mắt.

- Ngày vệ sinh mắt 2 - 3 lần hoặc lau bất kỳ khi nào nếu thấy rỉ ghèn nhiều.

Ngoài ra, các mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mắt cho bé. Tuy nhiên, cần hỏi qua ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.

Mắt trẻ sơ sinh bị ghèn do đau mắt đỏ

Một số biểu hiện trẻ đau mắt đỏ các mẹ chú ý đó là mắt bé thường bị đỏ và đổ nhiều ghèn, đỏ một bên và lây sang hai bên, buổi sáng ngủ dậy có nhiều ghèn hơn trong mắt, trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt và có ghèn, ghèn mắt bé có màu xanh hoặc vàng, trẻ hay dụi mắt...

Để giảm hiện tượng đau mắt cho bé trong trường hợp này các mẹ cần:

- Dùng bông lau ghèn mắt cho trẻ ít nhất 2 lần trên ngày để làm sạch mắt.

- Nếu trẻ chỉ đau 1 bên mắt thì chỉ nên tra thuốc vào mắt bị đau, không tra thuốc cả 2 mắt vì có nguy cơ gây nhiễm khuẩn.

- Vệ sinh tay chân cho bé cẩn thận và không để bé dụi mắt.

- Đưa bé đi khám càng sớm càng tốt và nhỏ mắt theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Tuyệt đối không sử dụng một số bài thuốc dân gian để điều trị vì có thể gây hại và tổn thương cho mắt của trẻ.

Mắt trẻ sơ sinh bị ghèn do nhiễm trùng nặng

Với những trường hợp trẻ sơ sinh bị đau mắt có ghèn do nhiễm trùng nặng các mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời. Việc sử dụng nước muối hay nước ấm hay các biện pháp chăm sóc tại nhà thường không thể tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh về mắt cho bé.

Một số bệnh nhiễm khuẩn mắt thường gặp ở trẻ nhỏ

Các bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết: trong tháng đầu sinh, trẻ sơ sinh có thể gặp phải một số bệnh nhiễm khuẩn về mắt, tình trạng nặng làm ảnh hưởng đến thị lực, thậm chí gây mù lòa.

Tác nhân gây nên một số bệnh nhiễm khuẩn mắt ở trẻ thường là vi trùng gây bệnh lậu, trùng roi và vi trùng staphylococcus aureus, được lây nhiễm từ mẹ qua bé trong lúc sinh hoặc từ người khác khi chăm sóc.

Triệu chứng điển hình khi bị nhiễm khuẩn mắt là mi mắt sưng đỏ, chảy mủ từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 sau sinh. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể xuất hiện sớm hoặc muộn hơn tùy tình trạng bệnh.

Khi đã bị nhiễm trùng, các mẹ sẽ thấy trẻ sơ sinh bị đau mắt nhiều ghèn liên tục kéo dài trong khoảng 6 - 7 ngày. Lúc này cần đưa trẻ đi khám để biết nguyên nhân chính xác nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.

Để phòng ngừa những bệnh về mắt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi các bà mẹ nên nhớ:

- Dùng nước đun sôi để nguội lau mắt cho bé mỗi ngày.

- Sử dụng khăn mặt và khăn tắm riêng.

- Khăn sau mỗi lần sử dụng cần phải được giặt sạch và phơi dưới ánh nắng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục