Nhiễm độc thạch tín nguy hiểm thế nào?

Linh Chi, icon
07:00 ngày 22/08/2019

VTV.vn - Độc tính của thạch tín vô cơ cao gấp 4 lần thủy ngân, được công nhận là các chất gây ung thư nhóm một.

Hiện tượng tăng sắc tố da ở lòng bàn chân người bệnh nhiễm thạch tín.

Theo TS.BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thạch tín (hay còn gọi là asen) là một kim loại nặng, có 2 dạng: thạch tín hữu cơ (nằm trong thực vật và mô thịt động vật), loại thạch tín này thường vô hại đối với con người. Thứ 2 là thạch tín vô cơ, tích tụ trong đất đá hoặc hòa tan vào nước. Thạch tín và các hợp chất của thạch tín được sử dụng làm thuốc trừ dịch sâu, thuốc diệt cỏ và trong sản xuất các hợp kim.

Thạch tín vô cơ là loại hóa chất cực độc và được gọi là "vua của các loại độc". Lịch sử đã ghi nhận loại chất độc này không chỉ được dân thường mà cả các hoàng tộc của các vương triều sử dụng trong việc ám sát kẻ thù đe dọa tới họ. Sở dĩ, họ chọn thạch tín bởi vì nó là chất độc hoàn hảo không mùi, không vị. Do đó, nạn nhân khó phát hiện ra mình đang bị đầu độc. Nếu một lượng lớn thạch tím xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và có thể tử vong ngay lập tức.

Nhiễm độc thạch tín nguy hiểm thế nào? - Ảnh 1.

Sử dụng thuốc bắc xông nhà, một người đàn ông bị ngộ độc thạch tín.

Nếu bị nhiễm độc thạch tín dần dần, mỗi ngày tích tụ một ít, tùy theo mức độ bị nhiễm và thể trạng của mỗi người, có thể xuất hiện nhiều bệnh nguy hiểm từ nhẹ đến nặng như rụng tóc, buồn nôn, sút cân, giảm trí nhớ, làm rối loạn sắc tố da, sừng hóa gan bàn tay, gan bàn chân, gây hoại tử các vết loét ở tay, chân, ung thư... thậm chí tử vong.

Thạch tín không chỉ tồn tại trong nước mà còn có mặt trong không khí, trong đất, thực phẩm và rất dễ xâm nhập vào cơ thể con người. Thạch tín đi vào vào cơ thể con người qua 3 đường chính là hô hấp, tiêu hóa và qua da. Khi vượt quá ngưỡng an toàn thì thạch tín trong thực phẩm, nước uống hoặc không khí sẽ trở thành chất độc gây nguy hiểm. Tuy nhiên, ở cấp độ bình thường, mỗi người chúng ta mỗi ngày đều nạp vào cơ thể một lượng asen nhất định nhưng liều lượng cực kỳ thấp và không gây ra bất kỳ tác động ngộ độc cấp tính nào đối với cơ thể.

TS.BS Cao Thanh Ngọc khuyến cáo: người dân không nên sử dụng những chế phẩm hay thuốc men không rõ nguồn gốc. Không nên lạm dụng bất cứ đồ vật hay món ăn gì như dùng thường xuyên một món ăn, uống lâu dài một loại thực phẩm chức năng khi chưa biết rõ chính xác thành phần bên trong. Tốt nhất nên ăn uống đa dạng, luân phiên thay đổi.

Nếu có các triệu chứng của bệnh thì nên đến bệnh viện để khám và điều trị bằng những thuốc đã được nghiên cứu, kiểm chứng rõ ràng về hiệu quả, độ an toàn cũng như liều lượng chuẩn xác. Bởi đôi khi một chất với liều nhỏ có thể là thuốc chữa bệnh nhưng liều cao lại là thuốc độc gây chết người.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục