Những quan niệm sai lầm khi ăn kiêng theo dân gian trong điều trị bỏng

Trí Quang, Ngọc Anh (Bệnh viện Bỏng quốc gia), icon
08:43 ngày 31/01/2023

VTV.vn - Một chế độ dinh dưỡng đảm bảo và khoa học sẽ cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng cần thiết để tái tạo mô, nâng cao sức chống đỡ của cơ thể.

Hình minh hoạ.

Bỏng là các thương tích của da hoặc các mô do tiếp xúc với nhiệt, bức xạ, hoá chất hoặc điện. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào diện tích và độ sâu của vết bỏng. Nên việc chọn món ăn cho người bệnh bỏng để vừa đủ chất dinh dưỡng, vừa mau lành vết bỏng được bệnh nhân, người chăm sóc và nhân viên y tế rất quan tâm. Quan niệm lưu truyền theo dân gian phải ăn kiêng thức ăn như: Trứng (sợ sẹo loang), thịt gà (sợ ngứa), thịt bò (sợ sẹo thâm), các loại cá và hải sản (sợ chất tanh lâu lành vết thương)... đã ăn sâu vào tiềm thức của đa số người dân.

Theo một nghiên cứu năm 2020 - tại Khoa Điều trị Bỏng người lớn: Trong thời gian nằm viện, có 81,5% bệnh nhân kiêng không ăn trứng, 72,2% với thịt gà, 66,7% với trứng vịt lộn và tôm, 55 - 60% thịt bò và cá các loại, riêng thịt lợn 100% bệnh nhân ăn hàng ngày".

Theo các bạn quan niệm trên đúng hay sai? Đối với nhân viên y tế đã và đang công tác tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác thấy rằng gần như 100% bệnh nhân bỏng đều để lại di chứng sẹo như: Seọ loang, sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo phì đại, sẹo co kéo... Trong khi ít nhất trên 60% các bệnh nhân bỏng thực hiện ăn kiêng các thức ăn như trên, ít nhất trên 60% các bệnh nhân bỏng tin vào quan niệm dân gian đó và thực hiện theo, nhưng kết quả là tất cả các bệnh nhân đó đều có di chứng sẹo. Đối với các bệnh nhân đã từng điều trị bỏng là người biết rõ nhất, các bạn đã ăn kiêng cẩn thận như vậy rồi thì các bạn có tránh được di chứng sẹo không?

Theo các tài liệu hướng dẫn và các nghiên cứu khoa học hiện nay, chưa có bằng chứng hay nghiên cứu cho thấy rằng thịt bò, thịt gà, trứng có liên quan đến vấn đề gây sẹo. Rau muống có lẽ chỉ Việt Nam mới có nên không có số liệu. Thịt bò, thịt gà, trứng, cá là loại có nguồn đạm tốt không có lý do gì mà ta phải kiêng. Chất đạm là nguồn nguyên liệu chủ yếu tạo nên tế bào, tạo hình cơ thể và các phức hợp miễn dịch. Thiếu đạm thì sẽ giảm tái tạo da và mô mới dẫn đến vết bỏng lâu liền hơn. Giảm hoạt động của hệ miễn dịch dẫn đến tăng tỷ lệ nhiễm trùng. Tăng thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị, tăng tỷ lệ biến chứng và tử vong. Trứng ta không ăn cả quả thì ít nhất ta phải ăn lòng đỏ, lòng đỏ trứng có rất giàu chất dinh dưỡng, trứng là thực phẩm rất cần cho người bị bỏng, trứng có hệ số sử dụng protein cao 100%.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Chò, Chủ nhiệm Bộ môn Dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 103: Thực tế thức ăn không gây biến đổi màu sắc của da sau bỏng, mà là do độ sâu của bỏng quyết định, ở những vùng bỏng nông sau khỏi bỏng màu sắc của da dần trở về bình thường. Nhưng ở những vùng bỏng sâu khi khỏi, da thường có màu khác với màu da bình thường… và sẹo còn do cơ địa di truyền của từng người, do độ tuổi...

Bỏ qua sự đúng sai của quan niệm trên thì việc bó buộc chỉ ăn một loại thực phẩm cụ thể là thịt lợn hàng ngày sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ:

Hệ lụy 1. Làm trầm trọng thêm tình trạng chán ăn ở bệnh nhân bỏng.

Ta hãy tự hỏi bản thân chúng ta là những người khoẻ mạnh mà ngày nào, bữa nào cũng ăn duy nhất một thực phẩm làm từ thịt lợn. Cộng thêm với việc bệnh nhân bỏng có quá trình nằm điều trị thường lâu dài hơn các mặt bệnh khác. Dẫn đến việc bệnh nhân phải ăn thịt lợn hàng tuần, hàng tháng. Mà bệnh nhân đa phần vẫn cứ không dám đổi bữa sang ăn thịt bò, không dám đổi bữa sang ăn thịt gà, trứng, các loại cá, tôm.

Trong nguyên tắc về xây dựng thực đơn có nói: mỗi bữa ăn không chỉ cần có đủ các nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng), mà ngay trong cùng một nhóm thực phẩm cũng nên thay thế nhiều loại khác nhau. Mục đích là để: Đảm bảo tính đa dạng về giá trị dinh dưỡng và giúp ngon miệng hơn, ăn được nhiều hơn.

Hệ lụy 2. Làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng quan trọng giúp nhanh liền vết thương bỏng như: Bộ ba acid amin cần thiết, sắt, kẽm, vitamin A, omega 3) sẵn có ở bệnh nhân bỏng.

Bị bỏng khiến hàng rào da bị phá huỷ, biểu hiện tình trạng mất dịch tiết dưới da gồm lượng lớn protein, khoáng chất và vi chất dinh dưỡng, gây hội chứng thiếu hụt cấp tính. Mỗi loại thực phẩm có chứa lượng chất dinh dưỡng khác nhau. Đa dạng thực phẩm giúp cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Không có thực phẩm nào có chứa đủ các chất dinh dưỡng, trừ sữa mẹ cho 6 tháng đầu. Nhiều chất dinh dưỡng giúp tổn thương bỏng mau liền lại có nhiều trong thịt bò, thịt gà, trứng, tôm, cá... là những thực phẩm mà bệnh nhân kiêng không ăn.

Theo nghiên cứu năm 2020 của Khoa Dinh dưỡng về giá trị dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày của bệnh nhân bỏng người lớn cho thấy:

1. Hàm lượng bộ ba acid amin thiết yếu trong việc mau lành tổn thương bỏng: HMB (beta-hydroxy-beta-methylbutyrate được chuyển hoá từ acid amin leucine, arginin và glutamin đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm thiểu sự mất mô cơ và tăng cường sự tổng hợp mô mới đều có nhiều trong thịt bò, thịt trâu, thịt gà ta, tôm đồng, cá nục. Riêng thịt lợn là thấp nhất.

2. Hàm lượng sắt trong thịt lợn, thịt chó, sữa ensure đều thấp hơn hàm lượng sắt trong thịt bò, trứng gà, trứng vịt, trứng vịt lộn, cá nục, tôm, thịt gà. Sắt là thành phần để tạo máu là một trong những chất khoáng rất quan trọng đối với cơ thể. Sắt tham gia hình thành và phát triển hồng cầu, tổng hợp hemoglobin và cấu trúc não, thành phần của enzym hệ miễn dịch, vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng.

3. Hàm lượng kẽm trong thịt lợn thấp hơn hàm lượng kẽm trong thịt bò. Kẽm là chất khoáng quan trọng (đứng thứ 3, sau magie và sắt). Thiếu kẽm ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động tăng trưởng, liền sẹo, miễn dịch (kẽm như người gác cổng của chức năng miễn dịch).

4. Hàm lượng vitamin A rất cao trong các loại trứng, một số loại cá, cua đồng và thịt gà. Hàm lượng vitamin A trong thịt lợn rất thấp. Vitamin A thúc đẩy quá trình liền vết thương, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Thiếu vitamin A dẫn tới: Chậm biểu mô hóa, chậm tổng hợp collagen, giảm tính ổn định của collagen.

5. Hàm lượng Omega 3 có nhiều trong các loại cá, hải sản, không có trong thịt lợn. Omega 3 là acid béo thiết yếu là thành phần của màng tế bào, có thể hỗ trợ giúp lành vết thương.

Hệ lụy 3. Chán ăn và thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng làm trầm trọng thêm tình trạng giảm cân, tình trạng mất khối nạc ở bệnh nhân bỏng. Làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân bỏng.

Bỏng dù là bỏng nhẹ hoặc rất nhẹ thì cũng gây ra đáp ứng nhiễm trùng hoặc tình trạng viêm làm thay đổi chuyển hóa, ngon miệng, hấp thu hoặc đồng hóa các chất dinh dưỡng. Các bệnh nhân bỏng trong quá trình nằm viện điều trị rất dễ bị suy dinh dưỡng do:

+ Giảm chất dinh dưỡng ăn vào do chán ăn, thay đổi khẩu vị, do đau đớn hoặc do các tác dụng phụ của thuốc điều trị.

+ Giảm khẩu phần ăn vào còn do các yêu cầu nhịn ăn trước khi phẫu thuật.

+ Giảm khẩu phần ăn còn do thực phẩm không hợp khẩu vị vì bệnh viện chỉ có thể cung cấp chế độ ăn đại trà cho đại đa số bệnh nhân.

+ Trong khi đa số các bệnh nhân có tăng nhu cầu dinh dưỡng hơn người bình thường và tăng mất chất dinh dưỡng qua vết bỏng.

Theo nghiên cứu năm 2020 tại Khoa Điều trị bỏng người lớn: Tất cả bệnh nhân nghiên cứu đều có mức độ bỏng nhẹ, không có bệnh nhân nào bỏng >25% DTCT( diện tích cơ thể), trong đó chủ yếu là bệnh nhân bỏng từ 6 - 15% DTCT chiếm 48,1% và nhóm bệnh nhân có tỉ lệ bỏng rất nhẹ <= 5% DTCT chiếm 31,5%. Vậy mà sau 10 ngày nằm viện, tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn theo BMI tăng lên từ 5 (9,3%) đến 12 (22,2%) và tỷ lệ thừa cân, béo phì giảm đi từ 8 (14,8%) xuống 2 (3,7%).

Chứng tỏ bệnh nhân có sự giảm cân nhiều trong quá trình nằm viện, ít nhất 13(24%) bệnh nhân giảm cân có thay đổi TTDD (tình trạng dinh dưỡng) theo BMI (chỉ số khối cơ thể), chưa tính những bệnh nhân giảm cân mà không thay đổi TTDD theo BMI. Ta thấy tỷ lệ bệnh nhân bị thiếu năng lượng trường diễn theo BMI tỉ lệ thuận với % diện tích bỏng và độ sâu của bỏng. Bệnh nhân bỏng vừa và nặng 100% bị suy dinh dưỡng, còn đối với bệnh nhân bỏng nhẹ và rất nhẹ là vẫn có tỉ lệ suy dinh dưỡng theo BMI sau nằm viện 10 ngày là 24%, 4 bệnh nhân thì có 1 bệnh nhân bị suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến lâm sàng và kết quả điều trị, làm suy giảm chức năng miễn dịch, giảm sức cơ như cơ hô hấp, chậm lành vết thương, góp phần làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng, kéo dài thời gian thở máy, biến chứng toác vết mổ, kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị.

Hệ lụy 4. Làm sụt giảm rất nhiều sự hài lòng của người bệnh đối với chế độ ăn (suất ăn), dẫn đến sụt giảm sự hài lòng đối với bệnh viện.

Đã thống kê thấy nhiều bệnh nhân cảm thấy bất mãn với việc: "Tại sao tôi bị bỏng bệnh viện lại cho chúng tôi ăn trứng, ăn thịt bò, ăn thịt gà, cá, tôm…" Mặc dù Khoa Dinh dưỡng đã rất nhiều lần thay đổi thực đơn, hạn chế đưa những thực phẩm mà bệnh nhân ăn kiêng vào thực đơn, chỉ để 2 bữa trứng/tuần, 2 bữa cá/tuần, 1 bữa thịt bò/tuần, 1 bữa thịt gà/tuần, các bữa ăn đều có thịt lợn. Nhưng chúng tôi không thể bỏ đi hết những thực phẩm mà bệnh nhân ăn kiêng ra khỏi thực đơn vì không đúng nguyên tắc về xây dựng thực đơn và không phù hợp với những bệnh nhân không có quan niệm ăn kiêng ngày nào bữa nào cũng ăn mỗi thịt lợn (giảm sự ngon miệng).

Một số khuyến cáo về chế độ dinh dưỡng

Bệnh nhân bỏng cần được cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng từ khẩu phần ăn, giúp hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng.

Cần có các biện pháp thay đổi quan niệm ăn kiêng nhiều loại thực phẩm đã ăn sâu vào tiềm thức của đa số người dân: tăng cường tư vấn truyền thông về dinh dưỡng, về tác hại của việc ăn kiêng đến việc mau lành tổn thương bỏng định kì hàng tuần, hàng tháng cho tất cả các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bị bỏng. Có thể mời các chuyên gia về dinh dưỡng về hỗ trợ Khoa Dinh dưỡng qua các buổi truyền thông sức khỏe toàn viện nói về chuyên đề bỏng cho bệnh nhân và cả nhân viên y tế trong toàn viện.

Không chỉ có nhân viên Khoa Dinh dưỡng, mà nhân viên tại các khoa lâm sàng hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, đặc biệt là các Điều dưỡng trưởng cũng phải tư vấn, truyền thông cho bệnh nhân và người nhà về chế độ ăn điều trị bỏng.

Cần tăng cường xét nghiệm đánh giá tình trạng thiếu hụt một số chất dưỡng thường quy như: xét nghiệm đánh giá tình trạng vitamin A, vitamin C, sắt, kẽm, albumin.

Khi cung cấp dinh dưỡng đường miệng không đủ nhu cầu khuyến nghị, thì phải bổ sung dinh dưỡng bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch. Bổ sung này nên càng chuyên biệt càng tốt đối với thiếu hụt dinh dưỡng ở từng bệnh nhân. Nên bổ sung thêm viên đa vi chất (viatamin A, B, C…+ chất khoáng: kẽm…) cho bệnh nhân bỏng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục