Ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe

QA (Theo WHO), icon
02:53 ngày 12/11/2019

VTV.vn - Hôm nay (12/11), mức ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã lên đến ngưỡng nguy hại. Vậy ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta ra sao?

Ảnh: WHO.

Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, 1/3 số ca tử dong do đột quỵ, ung thư phổi và bệnh tim là do ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí là một trong những loại ô nhiễm khó có thể tránh khỏi, dù bất kể ở khu vực nào. Tất cả các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí đều có thể xâm nhập vào cơ thể, hệ hô hấp và hệ tuần hoàn, làm hỏng phổi, tim và não của chúng ta.

Ô nhiễm không khí có liên quan chặt chẽ với biến đổi khí hậu, nguyên nhân chính là do đốt các nguyên liệu sản xuất. Trong tháng 11 này, Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu đã cảnh báo rằng việc đốt than cần phải kết thúc vào năm 2050 nếu con người muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Nếu không, con người sẽ phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng khí hậu vô cùng lớn trong 20 năm tới.

Giáo sư Maria Neira, Giám đốc Viện Sức khoẻ cộng đồng, Môi trường và Xã hội của WHO cho hay: "Cái giá phải trả của thay đổi khí hậu đó là cuộc sống trong bệnh viện và bằng lá phổi của chúng ta.".

Có hai loại ô nhiễm không khí chính là Ô nhiễm không khí xung quanh (ô nhiễm không khí ngoài trời) và ô nhiễm không khí gia đình (ô nhiễm không khí trong nhà được gây ra bằng việc đốt các chất đốt như than, gỗ hoặc dầu hoả). Ô nhiễm không khí gia đình gây tử vong cho 4 triệu người trên thế giới mỗi năm và có xu hướng ảnh hưởng tới các nước Châu Phi và Châu Á, những nơi mà nhiên liệu và công nghệ gây ô nhiễm được sử dụng hàng ngày để nấu ăn, sưởi ấm và chiếu sáng. Phần lớn phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ô nhiễm không khí có ảnh hưởng vô cùng lớn với sức khoẻ của trẻ em. Trên thế giới, có tới 14% trẻ em độ tuổi từ 5 - 18 tuổi bị hen suyễn liên quan đến các yếu tố bao gồm ô nhiễm không khí. Mỗi năm có 543.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong bệnh hô hấp liên quan đến ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng đóng vai trò lớn tới việc mắc ung thư ở trẻ em từ khi còn rất nhỏ. Phụ nữ mang thai tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi. Cả người lớn và trẻ em cũng có thể bị suy giảm nhận thức do ô nhiễm.

Các chất gây ô nhiễm chính bao gồm: vật chất hạt, hỗn hợp các vật chất rắn và lỏng phát sinh từ quá trình đốt cháy nhiên liệu và giao thông đường bộ; nitơ dioxide từ khói bụi của các loại xe cộ hoặc bếp gas trong nhà; sulfur dioxide từ việc đốt nhiên liệu, và ozone trên mặt đất, gây ra do phản ứng của ánh nắng mặt trời với các chất ô nhiễm từ khí thải xe cộ.

5 cách để hạn chế hít thở không khí bị ô nhiễm:

Ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe - Ảnh 1.

Hạn chế đi lại trên đường phố đông trong giờ cao điểm. Nếu đi cùng trẻ nhỏ, hãy cố gắng bế bé cao hơn mức khí thải của xe cộ.

Ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe - Ảnh 2.

Hạn chế thời gian tại các điểm nóng giao thông như gần các xe hơi khi dừng ở đèn đỏ.

Ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe - Ảnh 3.

Khi hoạt động thể chất ngoài trời, hãy chọn những khu vực ít ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe - Ảnh 4.

Hạn chế sử dụng các phương tiện di chuyển, ôtô vào những ngày ô nhiễm không khí cao.

Ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe - Ảnh 5.

Không đốt rác thải vì khói từ rác thải sẽ gây tổn hại đến sức khoẻ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục