Phát hiện sớm các rối loạn sức khỏe tâm thần tại cộng đồng

Nhật Thắng, icon
08:58 ngày 11/10/2023

VTV.vn - Ngành Y tế Hà Tĩnh khuyến cáo: Việc phát hiện sớm các rối loạn sức khoẻ tâm thần sẽ giảm thời gian, chi phí điều trị, giảm tỷ lệ người bệnh tâm thần bị mạn tính.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh, tổng số bệnh nhân tâm thần được quản lý điều trị dự phòng tại cộng đồng là 2.870 người, trong đó, 1.788 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 1.082 bệnh nhân động kinh. Dù có nhiều nỗ lực song công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do các nguyên nhân khác nhau.

Em L.N.P. (17 tuổi, trú tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hiện đang được theo dõi điều trị tại cộng đồng. Trước đây, bình thường P. hoạt bát, tích cực với các hoạt động ngoại khóa của trường, của lớp. Tuy nhiên, khi bước vào lớp 11, P. bắt đầu có các dấu hiệu lầm lì, ít nói chuyện, không muốn tiếp xúc với mọi người, thường xuyên sử dụng điện thoại cả ngày và đêm, kết quả học tập giảm sút rõ rệt.

Khi nhận thấy những biểu hiện này, bố mẹ P. cho rằng con mình đang ở độ tuổi dậy thì nên tính cách thay đổi, vì vậy không đưa đi khám bệnh. Đến khi, tình trạng này kéo dài được một năm, lúc này P. có dấu hiệu nặng hơn nên gia đình mới đưa đến Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh thăm khám và được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm.

Còn đối với trường hợp ông T.V.H. (57 tuổi, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) do mắc chứng nghiện rượu nặng nên ông thường bị ảo giác, rối loạn cảm xúc và tay run rẩy. Vì điều kiện gia đình khó khăn, hơn nữa, cứ nghĩ các hành vi của ông H. là do say rượu nên người thân trong gia đình không đưa đi thăm khám. Đến khi Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh tổ chức khám sàng lọc trên địa bàn toàn huyện mới phát hiện ông H. bị loạn thần khá nặng, phải đưa vào điều trị tại bệnh viện.

Đó là hai trong nhiều trường hợp có dấu hiệu biểu hiện bất thường của sức khỏe tâm thần song gia đình chủ quan, phát hiện muộn, ảnh hưởng đến công tác điều trị.

BSCKI. Võ Thanh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh cho biết: Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh tâm thần; do tổn thương não hoặc ngoài não gây ảnh hưởng đến hoạt động của não; do căng thẳng tâm lý dẫn đến bệnh tâm căn; rối loạn dạng cơ thể, bệnh loạn thần phản ứng; rối loạn stress sau sang chấn; rối loạn hành vi thanh thiếu niên do giáo dục không tốt, môi trường giáo dục không thuận lợi; rối loạn ám ảnh, lo âu...

Ngoài ra, còn do nguyên nhân cấu tạo bất thường của cơ thể gồm (các dị tật bẩm sinh, thiếu sót về hình thành nhân cách....) Hiện nay, các rối loạn thần kinh thường gặp là bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc và động kinh nguyên phát.

Để nâng cao hiệu quả việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần, việc phát hiện sớm và dự phòng các rối loạn tâm lý, thần kinh đóng vai trò hết sức quan trọng. Cần tăng cường hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho công tác dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tâm thần tại các trạm y tế xã; phối hợp, lồng ghép khám phát hiện bệnh lý tâm thần trong các hoạt động khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe tại các trường học, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị...

Việc phát hiện sớm bệnh thần kinh sẽ làm giảm thời gian, chi phí điều trị, giảm tỷ lệ người bệnh tâm thần đi đến mạn tính và tàn phế, làm giảm tỷ lệ gây rối trật tự xã hội và giảm tỷ lệ tử vong, sớm giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục