Phòng bệnh cho trẻ thời điểm giao mùa

SKLV, icon
07:01 ngày 21/04/2013

“Bệnh giao mùa” là cụm từ được nhiều người biết tới. Tuy nhiên, phòng chống bệnh cho bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ em không mắc phải những bệnh giao mùa thì không phải ai cũng biết cách.

Ảnh minh họa. (Nguồn: sciencephoto.com)

Trong những ngày qua, tại TP. Hồ Chí Minh, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài có khi lên tới 40 độ, khiến bệnh nhi đến khám và nhập viện tại các bệnh viện tăng mạnh trong đó nhiều nhất là trẻ bị sốt siêu vi, các bệnh về hô hấp, tiêu hóa. Tình trạng trẻ nhiễm các bệnh về hô hấp hay tiêu hóa có khả năng ngày một tăng, do nắng nóng dự kiến còn kéo dài đến tháng 5.

Trong khi đó, tại miền Bắc thời tiết giao mùa giữa Xuân và Hè cũng khiến tình trạng bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp và cảm cúm gia tăng nhanh chóng.

Chương trình Sức khỏe là vàng đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Nguyên PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương, để tìm hiểu về những căn bệnh theo mùa và giải pháp phòng và điều trị bệnh theo mùa.

BTV: Hiện tại thời tiết giao mùa ở miền Bắc và nắng nóng kéo dài ở miền Nam đang khiến nhiều người rất khó chịu, đặc biệt là trẻ em. Tình trạng trẻ em phải nhập viện do thời tiết đang ngày càng tăng cao, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Xin ông cho biết tại sao bệnh hô hấp lại là bệnh phổ biến ở trẻ em?

BS Nguyễn Văn Lộc: Thời điểm giao mùa là thời điểm hết sức thuận lợi cho những chủng vi khuẩn phát triển, đặc biệt là virus, vi khuẩn có hại và những ký sinh trùng trung gia như muỗi… cũng phát triển rất mạnh. Có thể nói, đây là những yếu tố thuận lợi để mang tới mầm bệnh trong thời điểm giao mùa này.

BTV: Thưa ông, nhiều bậc phụ huynh có những hiểu biết nhất định về bệnh giao mùa nhưng lại không biết cách phòng chống cho con mình như thế nào là tốt nhất, theo ông làm cách nào để phòng bệnh cho trẻ ở thời điểm này?

BS Nguyễn Văn Lộc: Các bậc phụ huynh cần lưu ý rằng, trẻ em khả năng chống bệnh tật là rất yếu do kháng thể của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Trong giai đoạn chuyển mùa này, không chỉ có trẻ em mà đối với người già cũng vậy, kháng thể của người già đã giảm thấp, do đó ở hai độ tuổi này rất dễ mắc các bệnh khi thời tiết chuyển mùa.

Về phòng bệnh, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

- Tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ cho các cháu.

- Khi các bậc phụ huynh để các cháu nhỏ, đặc biệt là các cháu dưới 1 tuổi nằm trong phòng có điều hòa, cần chú ý nhiệt độ trong phòng với nhiệt độ ngoài trời phải tương đối thích hợp nhau.

- Nếu cháu đang ở trong phòng điều hòa, cần thiết phải thay đổi nhiệt độ dần dần, tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột từ lạnh ra nắng nóng, điều này khiến các cháu dễ nhiễm bệnh.

- Không nên cho trẻ tiếp xúc với những người ho nhiều hay mắc các bệnh cảm cúm.

- Nếu trẻ đã mắc các bệnh về đường hô hấp hay tiêu hóa, nên tránh để trẻ tới nhà trẻ thậm chí phải cách ly trẻ, điều này vừa ngăn ngừa những căn bệnh khác xâm nhập do lúc này đề kháng của trẻ rất yếu, đồng thời dễ lây nhiễm bệnh sang các trẻ khác trong lớp.

- Cần thiết phải tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để trẻ có đủ đề kháng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

- Thời điểm nửa đêm đầu sáng, nhiệt độ ngoài trời thấp đi nhưng vẫn để điều hòa 25 – 26oC sẽ rất nguy hiểm, trẻ có thể mắc thêm các bệnh cảm lạnh, từ đó dẫn tới nhiều bệnh khác có thể xâm nhập tới trẻ.

BTV: Nhiều bậc phụ huynh thường quá lo lắng, thấy trẻ chỉ ho một chút cũng đưa trẻ tới bệnh viện, theo ông điều đó có nên hay không?

BS Nguyễn Văn Lộc: Đối với các cháu mắc bệnh nhẹ nên đưa đến những cơ sở tại địa phương như trạm y tế xã, phường, trung tâm y tế để khám và điều trị bệnh. Với những bệnh như cảm, cúm, viêm đường hô hấp nhẹ những cơ sở địa phương đủ khả năng điều trị bệnh. Những trường hợp nặng sẽ được giới thiệu theo tuyến để lên các bệnh bệnh viện Trung ương. Việc tránh để trẻ tới những địa điểm đông người còn hạn chế khả năng nhiễm bệnh chéo cho trẻ…



Để theo dõi toàn bộ cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Nguyên PGĐ bệnh viện Nhi Trung ương về những cách thức phòng tránh và điều trị bệnh giao mùa cho trẻ, mời quý vị và các bạn theo dõi TẠI ĐÂY.

Cùng chuyên mục