Phòng bệnh viêm phổi cho trẻ khi thời tiết thay đổi

Thu Hương, Phạm Hằng, icon
08:17 ngày 12/11/2021

VTV.vn - Thời tiết chuyển mùa, tại một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương, thời gian gần đây, lượng trẻ đến khám và nhập viện có sự gia tăng.

Đơn cử tại Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, hiện đang điều trị cho 30 trẻ (tăng 60% so với tháng trước). Trẻ nhập viện chủ yếu do sốt virus, tiêu chảy, viêm phế quản, đặc biệt là viêm phổi.

Để điều trị cho trẻ trong giai đoạn này, Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19 khi bệnh nhân đến khám và điều trị; hướng dẫn cha, mẹ trẻ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không dùng chung đồ dùng như cốc, chén, bát, giữ khoảng cách và giữ vệ sinh chung…

Theo bác sĩ Trần Thị Huệ, Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, thời tiết hanh khô, nhiệt độ thay đổi bất thường giữa ngày và đêm khiến cơ thể trẻ rất khó thích ứng, cộng với sức để kháng của trẻ yếu nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.

Điển hình như bé N.M.A. (2 tháng tuổi) nhập viện cách đây 4 ngày, mẹ bé cho biết: Phát hiện bé thở nhanh, người mệt, song nhiệt độ cơ thể chỉ hơi ấm hơn bình thường chứ chưa sốt, bé vẫn bú. Đến ngày thứ 2, tình trạng bệnh tiến triển rất nhanh, bé được đưa đi khám thì đã được chẩn đoán viêm phổi.

Bác sĩ Huệ nhấn mạnh: Viêm phổi ở trẻ em là bệnh dễ gặp nhất ở trẻ vào thời điểm này, bệnh tiến triển rất nhanh. Do vậy, cha mẹ cần theo dõi chặt diễn biến sức khỏe của trẻ để có thể phát hiện bệnh sớm nhất.

Để nhận biết dấu hiệu của bệnh, phụ huynh cần chú ý dấu hiệu quan trọng để nhận biết là trẻ thở nhanh và thở gấp. Đây được coi là dấu hiệu chính và xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi. Với trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở bình thường khoảng dưới 60 lần/phút; ở trẻ từ 2-11 tháng tuổi nhịp thở bình thường khoảng dưới 50 lần/phút… Nếu trẻ sơ sinh có nhịp thở nhanh hơn mức này thì cần nghĩ tới triệu chứng viêm phổi, sớm đưa đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị.

Một triệu chứng nữa cũng cần chú ý là trẻ bị rút lõm lồng ngực, nếu quan sát thấy phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) lõm xuống một cách rõ rệt (lõm sâu) khi trẻ hít vào thì khả năng đã chuyển sang giai đoạn viêm phổi nặng. Ngoài ra, nếu trẻ có các biểu hiện mệt, bỏ bú, bú ít đi, có thể bị sốt cao, thở khò khè, phập phồng cánh mũi, đầu gật gù theo nhịp thở… thì cần liên hệ với cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, cần chú ý giữ ấm khi về đêm và sáng. Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước. Ra ngoài đường cần đeo khẩu trang… Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh về điều trị cho trẻ tại nhà. Nên chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng các mũi vaccine phòng bệnh cho trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục