Số ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện gia tăng

Minh Đức, icon
03:06 ngày 19/12/2018

VTV.vn - Trong đợt rét lạnh vừa qua, số lượng bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện tăng 15 - 20%, nhiều bệnh dân có diễn biến rất nặng và nguy hiểm tính mạng.

Những ngày gần đây, mặc dù đợt rét đậm đã có dấu hiệu ấm lên nhưng người dân vẫn cần chú ý bảo vệ sức khỏe. Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, đợt rét đậm rét hại trong tuần qua đã khiến số lượng bệnh nhân nhập viện tăng 15 - 29% so với ngày thường. Nhiều bệnh nhân bị mắc các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhập viện trong tình trạng nặng, thậm chí phải thở bằng máy.

Được biết, thời tiết lạnh kèm mưa ẩm là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đợt kịch phát của bệnh nhân hen phế quản, COPD. Tại bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm tiếp nhận khoảng 7.000 bệnh nhân hô hấp nhập viện, có đến 30% bệnh nhân các bệnh phối tắc nghẽn mạn tính COPD. PGS.TS Chu Thị Hạnh - Phó Giám đốc TT Hô hấp (BV Bạch Mai) cho biết, những ngày đông lạnh có thời điểm 15 - 20 bệnh nhân COPD nhập viện, phần lớn là những cơn kịch phát diễn biến rất nặng. Chỉ tính riêng tuần rét đậm vừa qua, đã có khoảng 170 bệnh nhân CODP nhập viện điều trị.

Bác sĩ cho biết, bệnh COPD là bệnh phải điều trị cả đời, đặc biệt là người bệnh có tình trạng suy hô hấp mạn tính và CO2 máu tăng cao cần phải chú ý dùng thuốc dự phòng hàng ngày. Căn bệnh này rất dễ trở nặng vào mùa rét.

Để ngăn bệnh COPD trở nặng, người bệnh cần phải tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, thuốc lào chủ động hoặc thụ động (ngồi trong phòng có người hút thuốc)... Đặc biệt trong mùa rét, nhiều gia đình sử dụng bếp than sưởi ấm mà không hề biết rằng, ngoài nguy cơ bị ngộ độc khí CO thì đây cũng là tác nhân gây nên các đợt cấp của COPD.

Đặc biệt, bệnh nhân COPD cần thực hiện tiêm phòng cúm, sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch trong mùa lạnh; cần đặc biệt lưu ý giữ ấm cơ thể, mặc áo ấm, tất ấm, khăn quàng ấm và tuyệt đối không đi thể dục ngoài trời lúc 5h - 6h sáng.

Bên cạnh đó là chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bệnh nhân COPD khó thở khiến việc ăn uống khó khăn nên có thể ăn đồ loãng, đồ nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu, tránh uống nước đá, đồ ăn lạnh. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh.

Việc luyện tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân COPD cũng rất quan trọng. Người bệnh COPD mức độ nhẹ hoặc trung bình nên duy trì luyện tập các bộ môn như đạp xe, đi bộ với mức độ vừa phải từ 30 - 60 phút tùy theo khả năng. Bệnh nhân nặng có thể giảm thời gian luyện tập, hoặc có các phương pháp tập luyện khác luyện sức bền với tạ nhỏ; hoặc tập thở cơ hoành bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết sức, tập ho khạc đờm chủ động.

Được biết, tỉ lệ tử vong vì COPD chỉ đứng sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não với trên 3 triệu bệnh nhân tử vong mỗi năm. Đối tượng mắc thường ở tuổi từ 40 trở lên. Bệnh nhân mắc COPD nặng thường kèm theo các bệnh lý như suy kiệt, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim... phải điều trị liên tục, tốn kém.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục