Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản - gánh nặng của mỗi gia đình và cả cộng đồng

Lê Thạch, icon
01:58 ngày 16/12/2018

VTV.vn - Các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế là gánh nặng về bệnh tật, gánh nặng kinh tế cho mỗi quốc gia. Tử vong do bệnh gây ra vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo thống kê, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Bệnh khiến 3 triệu người chết trong năm 2012, tương đương với 6% của tất cả các trường hợp tử vong trên toàn cầu. Hơn 90% các ca tử vong xảy ra do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo dự đoán của Tổ chức Y tế Thế giới, số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ tăng gấp 3 - 4 lần trong thập kỷ này và dự đoán đến năm 2020, bệnh sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.

Tại Việt Nam, theo những kết quả trong nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,1% ở người trên 40 tuổi. Một nghiên cứu của nhóm các bác sĩ gia đình châu Á năm 2105 nhận định: Việt Nam là nước có tần suất bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 9,4%, có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản - gánh nặng của mỗi gia đình và cả cộng đồng - Ảnh 1.

Người bệnh COPD.

Trong khi đó, hen phế quản là một bệnh hô hấp không lây nhiễm đã có nhiều thành tựu trong quản lý bệnh, tuy nhiên theo dự đoán tỷ lệ mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng. Đến năm 2025, số người mắc bệnh hen trên toàn cầu có thể lên đến 400 triệu người. Hàng năm có khoảng 250.000 người tử vong do bệnh hen, chiếm đa số ở các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản - gánh nặng của mỗi gia đình và cả cộng đồng - Ảnh 2.

Các nguyên nhân gây hen phế quản.

Hiện nay, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày bởi những hậu quả do đợt kịch phát mà bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản nếu không được kiểm soát, gây ra: tử vong, tàn phế, hay các chi phí lớn khi nhập viện. Tuy nhiên, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Hiểu rõ được tầm quan trọng trong việc quản lý và dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt chương trình phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Bạch Mai là đầu mối thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay, chương trình đang tiếp tục hoàn thành giai đoạn 2 (2016-2020) thuộc Chương trình mục tiêu y tế dân số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục