Tai nạn thương tích ở trẻ em gia tăng dịp đầu hè

Bích Ngọc, icon
11:36 ngày 23/05/2023

VTV.vn - Tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, khoảng 2 tuần nay, số bệnh nhi bị tai nạn thương tích nhập viện tăng đột ngột.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

BSCKII. Phạm Văn Khương, Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng cho biết: Nếu như trước đây, mỗi tuần khoa tiếp nhận và mổ cấp cứu cho khoảng 15-18 bệnh nhân, thì nay con số này tăng lên từ 25-30 bệnh nhân. Trong đó, số ca bị chấn thương nặng cũng tăng cao.

Nguyên nhân chính là do trẻ em đi xe gắn máy phân khối lớn vượt quá quy định của độ tuổi và chưa ý thức được khi tham gia giao thông. Một số trường hợp đi xe đạp điện với tốc độ cao, trong khi phản xạ của trẻ còn yếu, chưa làm chủ được tay lái. Một nguyên nhân khác nữa là do các em vừa thi xong, được nghỉ xả hơi, đi chơi, du lịch, leo trèo, đùa nghịch, trượt ngã… Có những ca bị chấn thương rất nặng như gãy xương chậu, xương đùi, vỡ gan, vỡ lách, dập phổi…

Đơn cử như em M.D., 14 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom, vừa được nghỉ hè nên lấy xe máy của ba chở bạn đi chơi, do chạy ẩu và thắng gấp nên té ngã. Em bị chấn thương nhiều chỗ nhưng nặng nhất là bị gãy tay phải và gãy xương đùi trái. Hiện tại, tình trạng bệnh của em đã ổn và đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng của bệnh viện.

Hay như trường hợp em N.T.D., 14 tuổi, ngụ tại xã La Ngà, huyện Định Quán, đi làm thêm ở quán ăn trong thời gian được nghỉ học, do bất cẩn nên trượt chân ngã và bị gãy xương đùi.

Hiện tại, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị nội trú cho hơn 50 bệnh nhi bị tai nạn thương tích, tăng hơn 30% so với các tuần trước đó. Những tai nạn thương tích ở trẻ chủ yếu là do tai nạn giao thông, leo trèo, trượt ngã. Chấn thương chủ yếu là gãy tay, chân. Khi bị tai nạn thương tích, nếu trẻ được phát hiện, sơ cứu kịp thời, đúng cách và đưa ngay đến cơ sở y tế thì cơ hội phục hồi sẽ rất cao.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có trường hợp đưa trẻ đến cơ sở y tế muộn, sử dụng những phương pháp điều trị dân gian không phù hợp đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc hoặc khó khăn trong quá trình điều trị.

BS.CKII Phạm Văn Khương khuyến cáo: Vào mỗi dịp hè, rất nhiều trẻ em nhập viện do tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày với nhiều mức độ khác nhau. Do thời gian này các em được nghỉ học, được tự do vui chơi có thể thiếu sự giám sát của người lớn. Do đó, các trẻ từ 2-5 tuổi dễ bị tai nạn như bỏng, hóc dị vật, tự ngã, kẹt tay chân vào cửa. Đối với các trẻ lớn 6 đến 15 tuổi thường gặp tai nạn giao thông do đi xe máy, xe đạp điện, đuối nước, điện giật…

Vì thế, các bậc phụ huynh cố gắng quan tâm đến trẻ nhiều hơn, đồng thời dặn dò, giáo dục trẻ về ý thức tự bảo vệ chính mình, về các mối nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra khi tham gia giao thông, hay leo trèo, nghịch ngợm. Không nên cho trẻ sử dụng xe phân khối vượt quá lứa tuổi quy định, tránh xa các ao hồ, sông suối để tránh bị đuối nước và tránh tham gia vào các trò chơi mạo hiểm…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục